CÁCH CHIA TÀI SẢN CHUNG TRONG KINH DOANH

CÂU HỎI KHÁCH HÀNG: 

Em và một người bạn học cùng đại học góp vốn để khởi nghiệp, đầu tư mở cửa hàng bán trứng vịt biển. Sau một thời gian, việc kinh doanh đã được mở rộng về quy mô và giá trị tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, do bận ôn thi tốt nghiệp và phát sinh một vài bất đồng về quan điểm, em đã đề nghị được rút vốn bằng cách bạn em trả lại phần gốc và lãi theo tỷ lệ em đã góp hoặc để em bán phần của mình cho người khác. Bạn em không đồng ý, với lý do là cửa hàng chung, chỉ khi nào chấm dứt hoạt động sẽ xác định trị giá tài sản còn lại để phân chia hoặc bạn em có thể mua lại phần vốn góp của em thì em mới được trả lại tiền.

Đề nghị các anh chị cho biết, yêu cầu của em nêu trên có bắt buộc bạn em phải thực hiện hay không?

 

LUẬT SƯ TRẢ LỜI: 

Quyền sở hữu, theo Điều 158 Bộ luật Dân sự năm 2015, “bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật”.

Điều 207 Bộ luật này quy định về sở hữu chung và các loại sở hữu chung như sau:

1. Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với tài sản.

2. Sở hữu chung bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất.

Thông tin bạn cung cấp cho thấy, các bạn đã thỏa thuận góp vốn để đầu tư và mở cửa hàng chung, cho nên tài sản từ vốn góp đó thuộc sở hữu chung của các bạn. Với tư cách là đồng sở hữu, các bạn có đầy đủ quyền sở hữu, bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản.

Đồng thời, phần vốn góp ban đầu được xác định rõ ràng của từng người sẽ xác lập sở hữu chung theo phần đối với tài sản. Theo Điều 209 của Bộ luật này, sở hữu chung theo phần được quy định như sau:

“1. Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung.

2. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác”.

Căn cứ quy định nêu trên, vì là sở hữu chung theo phần, các bạn có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình. Trong trường hợp cụ thể của các bạn có thể là tương ứng với phần vốn góp và giá trị phát sinh.

Một trong các quyền của bạn với tư cách này là định đoạt tài sản chung được quy định tại Điều 218 của Bộ luật này. Đó là:

“1. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình.

2. Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thoả thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp một chủ sở hữu chung theo phần bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua.

Trong thời hạn 03 tháng đối với tài sản chung là bất động sản, 01 tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác. Việc thông báo phải được thể hiện bằng văn bản và các điều kiện bán cho chủ sở hữu chung khác phải giống như điều kiện bán cho người không phải là chủ sở hữu chung.

Trường hợp bán phần quyền sở hữu mà có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua thì trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày phát hiện có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua, chủ sở hữu chung theo phần trong số các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu Tòa án chuyển sang cho mình quyền và nghĩa vụ của người mua; bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại.

4. Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với bất động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc về Nhà nước, trừ trường hợp sở hữu chung của cộng đồng thì thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu chung còn lại.

5. Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu còn lại.

6. Trường hợp tất cả các chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với tài sản chung thì việc xác lập quyền sở hữu được áp dụng theo quy định tại Điều 228 của Bộ luật này”.

Tóm lại, bạn có thể đề nghị trả lại phần gốc và lãi theo tỷ lệ đã góp vốn, nhưng bạn của bạn có quyền đồng ý thực hiện hay không, phụ thuộc vào thỏa thuận giữa hai bạn.

Trường hợp bạn muốn bán phần quyền sở hữu của mình thì bạn của bạn được quyền ưu tiên mua. Tuy nhiên, quyền ưu tiên đó bị giới hạn về thời gian. Cụ thể: Trong thời hạn 03 tháng đối với tài sản chung là bất động sản, 01 tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày nhận được thông báo của bạn về việc bán và các điều kiện bán. Sau thời hạn này, nếu bạn của bạn không mua thì bạn có quyền bán cho người khác.

Bạn cần lưu ý, việc thông báo phải được thể hiện bằng văn bản và các điều kiện phải giống như bán cho người không phải là chủ sở hữu chung. Nếu vi phạm thời hạn quyền ưu tiên mua mà do lỗi của mình dẫn đến gây thiệt hại, bạn có thể phải bồi thường thiệt hại.


Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ