Tổ chức thiện nguyện có quyền hưởng di sản theo di chúc không?

CÂU HỎI:

Cách đây gần một năm, khi biết mình bị bệnh khó chữa, lại đang sống độc thân nên một thành viên Hội thiện nguyện của chúng tôi đã lập di chúc. Nội dung của di chúc xác định rõ, khi ông ấy qua đời, mọi tài sản của ông ấy sẽ chuyển cho Hội.

Bẵng đi một thời gian, không ai có thể liên lạc được với ông ấy. Có thông tin ông ấy đã qua đời, nhưng chưa thể kiểm chứng thì đến thời điểm nào di chúc của ông ấy mới có hiệu lực? Liệu Hội thiện nguyện của chúng tôi có thể nhận di sản thừa kế của cá nhân hội viên hay không?

LUẬT SƯ TƯ VẤN:

Theo Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2015, “cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc”.

Do vậy, nếu không phải là cá nhân, Hội thiện nguyện của các bạn vẫn có quyền hưởng di sản theo di chúc của cá nhân, nếu di chúc đó hợp pháp.

Di chúc hợp pháp được quy định tại Điều 630 của Bộ luật này như sau:

“1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

2.Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

3.Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

4.Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

5.Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng”.

Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế. Tuy nhiên, di chúc không có hiệu lực trong trường hợp cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.

Theo khoản 1 Điều 611 của Bộ luật Dân sự năm 2015, “thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này”.

Căn cứ quy định nêu trên, nếu người để lại di chúc cho Hội thiện nguyện của bạn chết, thời điểm mở thừa kế chính là thời điểm người đó chết. Tuy vậy, thông tin của các bạn cho thấy, chưa có căn cứ xác định chính xác người này đã chết. Việc tuyên bố một người đã chết được thực hiện theo quy định tại Điều 71 của Bộ luật này. Cụ thể:

“1. Người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp sau đây:

a) Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

b) Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

c) Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

d) Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật này.

2.Căn cứ vào các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết.

3.Quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố là đã chết để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch”.

Thời điểm người lập di chúc để lại tài sản cho Hội thiện nguyện của các bạn bị mất liên lạc với mọi người mới được gần một năm. Vì thế, chắc chắn chưa đủ thời gian để người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố người này đã chết.

Chỉ khi Tòa án thụ lý giải quyết vụ việc, xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết, đồng nghĩa đó là ngày mở thừa kế và di chúc của người này mới có hiệu lực pháp luật.

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ