CÓ ĐƯỢC UỶ QUYỀN ĐỂ LY HÔN KHÔNG

Câu hỏi: Vợ chồng em gái tôi sống với nhau không hạnh phúc và có những mâu thuẫn không thể hóa giải. Cho nên, em gái tôi đã đi làm nghiên cứu sinh tại Vương quốc Anh và có ý định ở lại đây để làm việc lâu dài.

Xin hỏi, nếu không có mặt ở Việt Nam, em gái tôi có thể ủy quyền để tôi thực hiện thủ tục ly hôn với chồng tại Tòa án hay không?

 

Trả lời

Ly hôn, theo khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, “là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”.

Điều 51 của Luật này quy định về quyền yêu cầu ly hôn như sau:

“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.

Như vậy, vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo nguyên tắc thuận tình ly hôn hoặc ly hôn theo yêu cầu của một bên.

Về nguyên tắc, đương sự có thể trực tiếp tham gia vụ án dân sự hoặc thông qua người đại diện. Tuy nhiên, đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Bởi vì, Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

“1. Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự.

2. Người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ.

3.Tổ chức đại diện tập thể lao động là người đại diện theo pháp luật cho tập thể người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động bị xâm phạm; tổ chức đại diện tập thể lao động đại diện cho người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng khi được người lao động ủy quyền.

Trường hợp nhiều người lao động có cùng yêu cầu đối với người sử dụng lao động, trong cùng một doanh nghiệp, đơn vị thì họ được ủy quyền cho một đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động thay mặt họ khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án.

4. Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.

Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện”.

Căn cứ quy định nêu trên, em gái bạn phải trực tiếp tham gia giải quyết việc ly hôn với chồng chứ không được ủy quyền cho người khác.

Việc đại diện giải quyết việc ly hôn chỉ được áp dụng trong trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ