CÓ THỂ KẾT HÔN TRONG THỜI GIAN ĐANG THỰC HIỆN NGHĨA VỤ QUÂN SỰ KHÔNG?

Câu hỏi: 

Chúng em yêu nhau từ khi còn học năm cuối cấp III. Đầu năm 2018 anh ấy nhập ngũ. Sắp đến thời điểm được nghỉ phép về thăm nhà, gia đình anh ấy mong muốn hai đứa đến Ủy ban nhân Phường để đăng ký kết hôn, nhưng sau khi anh ấy giải ngũ chúng em mới làm đám cưới.

Các anh chị cho em hỏi trong thời gian này, chúng em có bị hạn chế về việc đăng ký kết hôn hay không?

Trả lời: 

Theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân. Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật này.

Điều 10 của Luật này quy định về các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:

“1. Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.

2. Chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.

3. Gian dối trong khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về nghĩa vụ quân sự.

5. Sử dụng hạ sĩ quan, binh sĩ trái quy định của pháp luật.

6. Xâm phạm thân thể, sức khỏe; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của hạ sĩ quan, binh sĩ”.

Thêm nữa, khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định cấm các hành vi sau đây:

“a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;

e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;

g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;

h) Bạo lực gia đình;

i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi”.

Căn cứ các quy định nêu trên, pháp luật hiện tại không cấm quân nhân đang tại ngũ kết hôn. Cho nên, nếu đáp ứng các điều kiện kết hôn được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, hai bạn có thể thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn. Đó là:

“a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này”.

Thông tin của bạn cho thấy, bạn trai bạn mới nhập ngũ đầu năm 2018, cho nên hai bạn cần lưu ý về sự khác nhau giữa độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, độ tuổi nhập ngũ và độ tuổi kết hôn.

Độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, là độ tuổi công dân thực hiện nghĩa vụ phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân. Theo Điều 30 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, “Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi”.

Tóm lại, về độ tuổi, bạn trai của bạn phải từ đủ 20 tuổi trở lên và bạn phải từ đủ 18 tuổi trở lên mới đủ điều kiện kết hôn.

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ