ĐĂNG KÝ KHAI SINH CHO CON KHI BỐ MẸ CHƯA ĐỦ TUỔI KẾT HÔN

ĐĂNG KÝ KHAI SINH CHO CON KHI BỐ MẸ CHƯA ĐỦ TUỔI KẾT HÔN

Dù mới hơn 18 tuổi một chút, nhưng con trai tôi đã yêu và đi quá giới hạn với cô bạn cùng lớp, dẫn đến có thai. Hai đứa khẳng định yêu thương nhau, sự việc xảy ra là do không biết cách phòng vệ.

Gia đình cô bé đã yêu cầu gia đình tôi phải tổ chức đám cưới cho hai đứa, sinh em bé bình thường, khi con trai tôi đủ tuổi thì đăng ký kết hôn cũng được.

Một mặt lo lắng cho cả hai đứa vì chúng còn đang đi học, lại quá trẻ để lập gia đình và có con, mặt khác cũng sợ bị chính quyền xử phạt như trường hợp cùng khu phố, nên gia đình tôi còn đang chần chừ, do dự.

Không biết mức phạt đối với hành vi nêu trên là bao nhiêu tiền? Con của hai đứa có được khai sinh khi bố mẹ chưa đăng ký kết hôn hay không? Nếu được thì thủ tục thực hiện như thế nào?

VIETSAVVY trả lời:

Theo khoản 8 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, “tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật này”.

Khoản 1 Điều 8 của Luật này quy định nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

“a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này”.

Như vậy, giả sử hai cháu cùng 18 tuổi thì con trai bạn chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định nêu trên. Việc hai cháu lấy nhau, dù bạn gái đủ tuổi kết hôn thì vẫn là tảo hôn. Nếu hai bên gia đình tổ chức đám cưới cho các cháu chính là hành vi tổ chức lấy vợ cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

Theo điểm b khoản 2 Điều 5 của Luật này, “tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn” là các hành vi bị pháp luật hôn nhân và gia đình nghiêm cấm.

Về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình. Do đó, hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 47 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ như sau:

“1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó”.

Thậm chí, theo Điều 183 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Tội tổ chức tảo hôn), “người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm”.

Mặc dù cha mẹ chưa đủ tuổi kết hôn và trên thực tế chưa được đăng ký kết hôn, con sinh ra vẫn được đăng ký khai sinh. Bởi lẽ, theo khoản 1 Điều 30 Bộ luật Dân sự năm 2015, “cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh”. Chỉ có điều, do bố mẹ cháu chưa tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình, nên cháu là con ngoài giá thú. Nếu muốn ghi tên bố trong giấy khai sinh, trước hết phải làm thủ tục nhận cha con tại cơ quan hộ tịch cấp xã. Ủy ban nhân dân xã sẽ kết hợp giải quyết việc nhận cha cho con và đăng ký khai sinh cho cháu.

THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KHAI SINH ĐƯỢC QUY ĐỊNH tại. Đó là:

“1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.

2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.

Công chức tư pháp – hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.

3. Chính phủ quy định chi tiết việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha, mẹ, trẻ em sinh ra do mang thai hộ; việc xác định quê quán của trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha, mẹ”.

Tóm lại, tảo hôn, tổ chức tảo hôn là các hành vi vi phạm điều cấm và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Cũng cần lưu ý, tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 nêu trên, đồng thời hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó. Quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này.

———————————-

Công ty Luật TNHH VIETSAVVY

Địa chỉ: 06/61, đường Phạm Tuấn Tài, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam.

Số điện thoại: 0975.879.888

Email: vietsavvy@gmail.com

Website: vietsavvy.vn

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ