Hồ sơ đăng ký tạm trú khi không có chứng minh thư nhân dân

CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG

Còn ít ngày nữa em đi làm cho một doanh nghiệp Nhật Bản ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, tiện thể theo học Khóa đào tạo Công nghệ thông tin tại Trường Đại học FPT. Chính vì vậy, em muốn thuê nhà trọ ở gần đấy để thuận lợi cho việc đi làm và đi học. Tuy nhiên, trong lần đi họp lớp vừa rồi, em bị mất hết giấy tờ tùy thân, chưa kịp làm lại.  Em có thể đăng ký tạm trú khi không xuất trình được chứng minh thư nhân dân hay không? Thời hạn tối đa khi em chuyển đến ở trọ phải thực hiện thủ tục này là bao nhiêu ngày?

Ngoài ra, chủ nhà trọ cũng chỉ đưa cho em một bản thỏa thuận thuê nhà rất đơn giản. Trong đó có ghi nhận diện tích thuê, giá thuê, thời hạn thanh toán… Bên dưới có chữ ký của hai bên nhưng không thấy yêu cầu công chứng hay chứng thực gì thì thỏa thuận này có được chấp nhận khi làm thủ tục đăng ký tạm trú hay không?

TƯ VẤN CỦA LUẬT SƯ

Điều 12 Luật cư trú năm 2006 quy định về nơi cư trú của công dân như sau:

“1. Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.

Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.

Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú.

Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.

2.Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống”.

Đăng ký tạm trú, theo khoản 1 Điều 30 của Luật này, “là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp sổ tạm trú cho họ”.

Theo khoản 2 của Điều này, “ng­ười đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn”.

Như vậy, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chuyển đến nơi ở trọ, bạn phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn sở tại.

Các giấy tờ bạn phải chuẩn bị để thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú được quy định tại khoản 3 Điều này. Đó là: “người đến đăng ký tạm trú phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đã đăng ký thường trú; giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở đó; nộp phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, bản khai nhân khẩu; trường hợp chỗ ở hợp pháp là nhà do thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản”.

Có nghĩa là, trường hợp bị mất chứng minh thư nhân dân, bạn có thể đến Công an xã, phường, thị trấn nơi mình đăng ký thường trú xin xác nhận và xuất trình giấy tờ này cho

Công an xã, phường, thị trấn nơi đăng ký tạm trú.

Trưởng Công an xã, phường, thị trấn nơi đăng ký tạm trú trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ nêu trên sẽ cấp sổ tạm trú theo mẫu quy định của Bộ Công an cho bạn. Sổ tạm trú này có giá trị xác định nơi tạm trú của bạn và không xác định thời hạn.

Cũng cần lưu ý, trường hợp đã đăng ký tạm trú nhưng không sinh sống, làm việc, lao động, học tập từ 6 tháng trở lên tại nơi đã đăng ký tạm trú, cơ quan đã cấp sổ tạm trú sẽ xoá tên bạn trong sổ đăng ký tạm trú.

Một trong những giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú, theo điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ, là “giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cơ quan, tổ chức hoặc của cá nhân (trường hợp văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cá nhân phải được công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã). Đối với nhà ở, nhà khác tại thành phố trực thuộc trung ương phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương và được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý băng văn bản”.

Khoản 2 Điều này quy định giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký tạm trú là một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

“a) Một trong những giấy tờ, tài liệu quy định tại Khoản 1 Điều này, trừ trường hợp giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cá nhân thì văn bản đó không cần công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã;

b) Văn bản cam kết của công dân về việc có chỗ ở thuộc quyền sử dụng của mình và không có tranh chấp về quyền sử dụng nếu không có một trong các giấy tờ, tài liệu quy định tại Điểm a Khoản này”.

Như vậy, văn bản thỏa thuận cho thuê nhà trọ là giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp của bạn để đăng ký tạm trú nếu được công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Hướng dẫn chi tiết về hồ sơ đăng ký tạm trú, khoản 1 Điều 16 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09/9/2014 của Bộ Công an quy định bao gồm:

“a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu (đối với các trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu);

b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP(trừ trường hợp được chủ hộ có sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú đồng ý cho đăng ký tạm trú thì không cần xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp). Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký tạm trú vào chỗ ở của mình và ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên; trường hợp người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho đăng ký tạm trú vào chỗ ở của mình thì không phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.

Xuất trình chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó thường trú”.

Bạn cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nêu trên để đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn nơi thuê trọ.

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ