Lãi suất theo thỏa thuận tối đa la bao nhiêu
Em là sinh viên năm thứ nhất của một trường đại học, chuyên ngành ngân hàng. Vừa để vận dụng lý thuyết được học, vừa muốn trải nghiệm cuộc sống, em có kế hoạch đề xuất bố mẹ đầu tư cho một khoản tiền, mục đích cho các bạn cùng lớp vay khi họ cần.
Em là sinh viên năm thứ nhất của một trường đại học, chuyên ngành ngân hàng. Vừa để vận dụng lý thuyết được học, vừa muốn trải nghiệm cuộc sống, em có kế hoạch đề xuất bố mẹ đầu tư cho một khoản tiền, mục đích cho các bạn cùng lớp vay khi họ cần.
Do thời gian vay ngắn, chúng em có được thỏa thuận mức lãi suất khoảng 0,5%/ngày hay không? Trường hợp bạn nào để quá hạn trả nợ, lãi suất quá hạn có thể là 150% của lãi suất bình thường được không?
Trả lời
Theo Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015, “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.
Bạn cho người khác vay tiền, có nghĩa là các bạn đã xác lập giao dịch cho vay tiền thông qua hợp đồng dân sự vay tài sản. Chính vì vậy, bên cạnh các nội dung như số tiền, thời hạn vay, các bạn có quyền thỏa thuận về lãi suất.
Nội dung này được quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
“1. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
- Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”.
Mặc dù hai bên có quyền thỏa thuận, nhưng mức lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.
Mức lãi suất 0,5%/ngày như thông tin của bạn tương đương 182,5%/năm là vi phạm quy định nêu trên của pháp luật. Lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn không có hiệu lực. Hợp đồng này bị vô hiệu vì không đáp ứng điều kiện có hiệu lực được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 117 của Bộ luật này. Đó là: “Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”.
Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại Điều 131 của Bộ luật này như sau:
“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
- Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
- Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
- Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
- Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định”.
Tóm lại, thỏa thuận về mức lãi suất của các bên không được vượt quá 20%/năm. Phần vượt quá không có giá trị thực hiện. Nếu đã thực hiện, về nguyên tắc người cho vay phải hoàn trả lại cho người vay. Thậm chí, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người cho vay còn có thể bị xem xét xử lý vi phạm hành chính hoặc hình sự.
Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 357 của Bộ luật Dân sự năm 2015, “lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này”. Tức là, mức lãi suất chậm trả cũng không được vượt quá 20%/năm.