CÁN BỘ COI THI, CHẤM THI CÓ HÀNH VI TRONG GIAN LẬN THÌ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG

Vừa qua tôi thấy có hiện tượng công chức, viên chức có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ tổ chức thi kỳ thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông đã có hành vi gian lận trong việc chấm bài thi cho thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông. Tôi muốn hỏi pháp  luật quy định về việc xử lý hành vi vi phạm này như thế nào?

LUẬT SƯ TRẢ LỜI

Tại Điều 48 Quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BGD&ĐT ngày 25/1/2017  của Bộ Giáo dục và Đào tạo  quy định như sau:

Điều 48. Xử lý cán bộ tham gia tổ chức thi và cá nhân liên quan khác vi phạm quy chế thi

  1. “Người tham gia tổ chức thi là công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế thi (bị phát hiện trong kỳ thi hoặc sau kỳ thi), sẽ bị đình chỉ làm công tác thi và đề nghị cơ quan quản lý cán bộ áp dụng quy định của pháp luật về công chức, viên chức để xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:

a) Khiển trách đối với những người vi phạm lần đầu các hành vi dưới mức quy định tại các điểm b, c, d khoản này trong khi thi hành nhiệm vụ.

b) Cảnh cáo đối với những người có hành vi vi phạm một trong các lỗi sau đây:

– Để cho thí sinh quay cóp; mang tài liệu và vật dụng trái phép vào phòng thi được quy định tại điểm c khoản 4 Điều 14 Quy chế này;

– Chấm thi không đúng hướng dẫn chấm hoặc cộng điểm bài thi có nhiều sai sót;

– Ra đề thi vượt quá phạm vi chương trình THPT;

– Truyền dữ liệu thi không đúng cấu trúc, không đúng thời hạn, không đúng quy định của Bộ GDĐT.

c) Tuỳ theo mức độ vi phạm có thể bị hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức hoặc chuyển đi làm công tác khác đối với những người có hành vi vi phạm một trong các lỗi sau đây:

– Ra đề thi sai;

– Trực tiếp giải bài thi hoặc hướng dẫn cho thí sinh lúc đang thi;

– Lấy bài thi của thí sinh này giao cho thí sinh khác;

– Gian lận khi chấm thi, cho điểm không đúng quy định, vượt khung hoặc hạ điểm của thí sinh.

d) Buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có một trong các hành vi sai phạm sau đây:

– Đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi;

– Làm lộ đề thi, mua, bán đề thi;

– Làm lộ số phách bài thi;

– Sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh;

– Cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm;

– Đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của thí sinh;

– Gian dối trong việc sửa chữa học bạ, hồ sơ của thí sinh.

đ) Người làm mất bài thi của thí sinh khi thu bài thi, vận chuyển và bảo quản bài thi, chấm thi hoặc có những sai phạm khác trong công tác tổ chức thi, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo một trong các hình thức kỷ luật quy định tại Điều này.”

  1. Công chức, viên chức không tham gia tổ chức thi nhưng có các hành động như: thi hộ, tổ chức lấy đề thi ra và đưa bài giải vào cho thí sinh, đưa thông tin sai lệch gây ảnh hưởng xấu đến kỳ thi, gây rối làm mất trật tự tại khu vực thi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và đề nghị buộc thôi việc.
  2. Người tham gia tổ chức thi và những người có liên quan đến việc tổ chức thi không phải là công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế thi (bị phát hiện trong kỳ thi hoặc sau kỳ thi), tùy theo mức độ, sẽ bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và xử lý theo quy định của pháp luật về lao động; bị đình chỉ học tập có thời hạn hoặc buộc thôi học (nếu là học sinh, sinh viên, học viên) khi có một trong các hành vi sai phạm quy định tại điểm b, c, d, đ khoản 1 Điều này.
  3. Các hình thức xử lý vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định theo quy trình quy định. Ngoài các hình thức xử lý nêu trên, các cơ quan có thẩm quyền có thể cấm đảm nhiệm những công việc có liên quan đến thi từ 1 đến 5 năm.

Việc làm sai lệnh kết quả thi của các thí sinh là một hành vi vi phạm nghiêm trọng Quy chế thi. Theo quy định trên, người tham gia tổ chức thi là công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế thi thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về công chức, viên chức theo các hình thức khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức hoặc chuyển đi làm công tác khác,buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự

Trường hợp xử lý hình sự thì còn phải xem xét các hành vi cụ thể của từng cá nhân, mức độ hành vi, hậu quả xảy ra mới. Người vi phạm có thể bị xử lý hình sự Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015

Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

  1. “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

              a) Có tổ chức;

              b) Phạm tội 02 lần trở lên;

              c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

       3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

       4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.”

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ