Quyền của cá nhân đối với hình ảnh gì, xử lý hành vi phạm như thế nào?

Công ty tôi đang làm việc có một anh đồng nghiệp thường xuyên gây hiềm khích với mọi người. Thậm chí, anh ta còn cắt ghép hình ảnh của tôi và một vài đồng nghiệp nữ tại các cuộc liên hoan, hát karaoke, photoshop thêm cảnh bãi biển, rừng núi hay nhà nghỉ, khách sạn. Sau đó, lập nick ảo và đăng lên Facebook, Twitter, Instagram… Hậu quả, đã có lần một chị bị chồng tra khảo, đánh đập vì không kịp giải thích. Tôi cũng bị chồng chị ấy gọi điện chửi bới, dọa nạt. Khi phát hiện ra chính anh đồng nghiệp đã làm chuyện này, thì anh ấy hồn nhiên trả lời mọi người là đùa cho vui. Song, hành động đó vẫn lặp lại khiến không khí cơ quan trở nên nặng nề vì mọi người đều dè chừng, đề phòng nhằm tránh phiền toái.

Xin hỏi: Pháp luật sẽ xử lý như thế nào đối với hành vi của anh đồng nghiệp ở cơ quan tôi?

Trả lời

Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh như sau:

“1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

2.Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:

a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật”.

Tại khoản 1 Điều 8, điểm b khoản 3 Điều 18 Luật An ninh mạng (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2019) quy định nghiêm cấm đưa thông tin trên mạng “thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”

Như vậy, trừ các trường hợp nêu tại khoản 2 Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu trên, việc một cá nhân hay tổ chức sử dụng hình ảnh của người khác cho mục đích nào đó (không phân biệt thương mại hay phi thương mại) mà chưa được phép của người có quyền cá nhân đối với hình ảnh đó là vi phạm pháp luật.

Anh đồng nghiệp ở cơ quan bạn không chỉ sử dụng hình ảnh của người khác khi không được sự đồng ý của họ, mà còn thực hiện hành vi cắt ghép, đăng tải lên mạng xã hội, xúc phạm danh dự và làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình người khác… Thêm nữa, hành vi này còn lặp đi lặp lại, vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh. Đó là một trong những quyền dân sự được pháp luật quy định và bảo vệ. Về nguyên tắc, cá nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại.

Theo khoản 1 Điều 584 của Bộ luật này, “người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

Ngoài việc phải bồi thường thiệt hại dân sự, tùy theo tính chất mức độ của hành vi và hậu quả xảy ra, người này có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:

  1. Xử lý hành chính

Theo Điều 19 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 21 Điều 2 Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017 của Chính phủ, hành vi “sửa chữa, ghép ảnh làm sai lệch nội dung của hình ảnh nhằm mục đích xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, lãnh tụ, danh nhân văn hóa; vu khống, xâm hại uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân” bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

  1. Xử lý hình sự:

Trường hợp anh đồng nghiệp này đưa thông tin trên mạng chỉ với mục đích trêu đùa chứ không phải để xúc phạm danh  dự, uy tín nhân phẩm của người khác cũng không phải mục đích vu khống thì anh ta có thể bị truy tố về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015

Điều 288. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông

1.Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của Cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này;

b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;

c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông;

c) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

d) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam;

g) Dẫn đến biểu tình.

3.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ