Quyền và nghĩa vụ của con cái, hành vi ngược đãi với cha mẹ bị xử lý như thế nào

Tôi có người hai người bạn hàng xóm là đôi vợ chồng năm nay đã gần 80 tuổi, sức khỏe yếu. Họ có đứa con trai chơi bời. lêu lổng, thường xuyên về nhà gây sự chửi bới, sỉ nhục bố mẹ. Mỗi khi con trai họ uống rượu say về là lại vác gậy, vác gạch đe dọa đuổi họ phải ra khỏi nhà. Nhiều lần họ bị đuổi ra khỏi nhà phải khổ sở chịu cảnh đói rét ngoài đường giữa trời đông lạnh giá. Xin hỏi, tôi  có thể báo tin cho cơ quan nào để bảo vệ cho hai vợ chồng già bạn của tôi không? Hành vi của người con trai này có thể bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

Trả lời

Tại Khoản 2 Điều 70, Khoản 2 Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“Điều 70. Quyền và nghĩa vụ của con

2.Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.”

“Điều 71. Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng

2.Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.”

Như vậy, việc hiếu thảo của con cái không chỉ là nét đẹp của mỗi con người Việt Nam mà còn là trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cha mẹ được pháp luật quy định.

Theo thông tin bác trình bày thì con trai của gia đình bác hàng xóm đã có các hành vi chửi bới, sỉ nhục bố mẹ mình, mặc dù bố mẹ anh ta đã già yếu nhưng vẫn bị đuổi ra khỏi nhà bắt chịu đựng đói rét. Do đó, người thanh niên này không chỉ xâm phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ của con cái theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 mà anh ta còn phạm phải các hành vi bạo lực gia đình bị nghiêm cấm theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm i  Khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, cụ thể:

“Điều 2. Các hành vi bạo lực gia đình

1.Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.”

Tại Điều 18 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định như sau:

“Điều 18. Phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình

1.Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 23 và khoản 4 Điều 29 của Luật này.

2.Cơ quan công an, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình.”

Như vậy, bác có thể báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư (trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố) để phối hợp giải quyết.

Trên cơ sở quy định nêu trên thì căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà người con này thực hiện có thể  sẽ bị xử phạt hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Về xử phạt vi phạm hành chính:

Căn cứ Khoản 1 Điều 51, Điều 57 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định:

“Điều 51. Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình

1.Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.”

“Điều 57. Hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ

1.Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ.

2.Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi thường xuyên đe dọa bằng bạo lực để buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ.”

Như vậy, ngoài việc bị áp dụng các chế tài xử phạt hành chính thì người vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là xin lỗi công khai bố mẹ mình nếu họ có yêu cầu.

– Trường hợp đủ căn cứ cấu thành Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thì người con trên có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự theo Điều 185 Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể:

“Điều 185. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình

1.Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;

b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ