Làm lún, nứt nhà hàng xóm phải bồi thường như thế nào và giám định dân sự mới nhất

CÂU HỎI:

Hàng xóm nhà tôi sửa nhà, chồng thêm tầng dẫn đến nhà tôi bị nứt, lún một số chỗ. Tuy vậy, họ không thừa nhận điều này bởi trước khi họ tiến hành công việc hai bên không ghi nhận hiện trạng của nhà tôi. Trường hợp này tôi có thể yêu cầu họ bồi thường được không?

LUẬT SƯ TƯ VẤN

Theo Điều 605 Bộ luật Dân sự năm 2015, “chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác.

Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường”.

Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 584 Bộ luật này như sau:

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2.Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3.Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này”.

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại bao gồm: Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình; Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường; Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra; Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Căn cứ quy định nêu trên, về nguyên tắc bạn có quyền yêu cầu người xây nhà có hành vi làm lún nứt, gây thiệt hại cho nhà bạn bồi thường. Để xác định mức độ thiệt hại làm căn cứ bồi thường, nếu hai bên không thể thỏa thuận, bạn có thể yêu cầu giám định tư pháp khi vụ việc dân sự được giải quyết tại Tòa án.

Giám định tư pháp, theo khoản 1 Điều 2 Luật Giám định tư pháp năm 2012, “là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này”.

Với tư cách người yêu cầu giám định, bạn cần gửi văn bản yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu của bạn thì trong thời hạn 07 ngày họ phải thông báo cho bạn bằng văn bản. Hết thời hạn này hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, bạn có quyền tự mình yêu cầu giám định. Khi đó, bạn có quyền yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp trả kết luận giám định đúng thời hạn đã thỏa thuận và theo nội dung đã yêu cầu; giải thích kết luận giám định; thậm chí, đề nghị Toà án triệu tập người giám định tư pháp đã thực hiện giám định tham gia phiên tòa để giải thích, trình bày về kết luận giám định…

Cũng cần lưu ý, văn bản yêu cầu cầu giám định tư pháp phải có các nội dung được quy định tại khoản 2 Điều 26 của Luật này. Đó là:

“a) Tên tổ chức hoặc họ, tên người yêu cầu giám định;

b) Nội dung yêu cầu giám định;

c) Tên và đặc điểm của đối tượng giám định;

d) Tên tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có);

đ) Ngày, tháng, năm yêu cầu giám định và thời hạn trả kết luận giám định;

e) Chữ ký, họ, tên người yêu cầu giám định”.

Hồ sơ, đối tượng trưng cầu, yêu cầu giám định được giao, nhận trực tiếp hoặc gửi cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định qua đường bưu chính. Việc giao, nhận trực tiếp hồ sơ, đối tượng trưng cầu, yêu cầu giám định phải được lập thành biên bản bao gồm các nội dung như: Thời gian, địa điểm giao, nhận hồ sơ giám định; Họ, tên người đại diện của bên giao và bên nhận đối tượng giám định; Quyết định trưng cầu hoặc văn bản yêu cầu giám định; đối tượng cần giám định; tài liệu, đồ vật có liên quan; Cách thức bảo quản đối tượng giám định, tài liệu, đồ vật có liên quan khi giao, nhận; Tình trạng đối tượng giám định, tài liệu, đồ vật có liên quan khi giao, nhận; Chữ ký của người đại diện bên giao và bên nhận đối tượng giám định.

Kết quả giám định là căn cứ để xác định nguyên nhân, mức độ thiệt hại. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, theo Điều 589 Bộ luật Dân sự năm 2015 bao gồm:

“1. Tài sản bị mất, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng;

2.Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút;

3.Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại;

4.Thiệt hại khác do luật quy định”.

Tóm lại, nếu hai bên không thể thỏa thuận, bạn có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án để yêu cầu người hàng xóm bồi thường thiệt hại. Nguyên nhân, mức độ thiệt hại có thể được xác định thông qua kết luận giám định tư pháp.

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ