Thủ tục tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu

CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG

Một trong những điều khoản trong hợp đồng lao động mà chúng em ký với Công ty là làm thêm giờ theo yêu cầu của giám đốc. Từ đó, có những tháng, chúng em phải làm thêm giờ nhiều gần bằng cả thời gian làm việc chính.

Một trong những điều khoản trong hợp đồng lao động mà chúng em ký với Công ty là làm thêm giờ theo yêu cầu của giám đốc. Từ đó, có những tháng, chúng em phải làm thêm giờ nhiều gần bằng cả thời gian làm việc chính.

Nhiều người lao động không chịu được, sức khỏe giảm sút và không đáp ứng được điều khoản này, dẫn đến nguy cơ bị sa thải. Đại diện công đoàn cũng đã có ý kiến với Công ty, thậm chí thông tin đến người lao động về việc xem xét đề nghị Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Một mặt, đã hơn 6 tháng Công đoàn chưa thực hiện được việc này. Mặt khác, chúng em chỉ muốn Công ty bỏ nội dung làm thêm giờ không giới hạn như nói ở trên, chứ không muốn hủy hợp đồng với họ. Cho nên, đề nghị các anh chị cho biết, chúng em có thể trực tiếp đề nghị cơ quan quản lý lao động của Thành phố can thiệp, tuyên bố vô hiệu từng phần được hay không?

LUẬT SƯ TƯ VẤN

Điều 50 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về Hợp đồng lao động vô hiệu như sau:

“1. Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động trái pháp luật;

b) Người ký kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền;

c) Công việc mà hai bên đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc bị pháp luật cấm;

d) Nội dung của hợp đồng lao động hạn chế hoặc ngăn cản quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động.

2.Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.

3.Trong trường hợp một phần hoặc toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn quy định trong pháp luật về lao động, nội quy lao động, thoả ước lao động tập thể đang áp dụng hoặc nội dung của hợp đồng lao động hạn chế các quyền khác của người lao động thì một phần hoặc toàn bộ nội dung đó bị vô hiệu”.

Theo đó, có Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ và Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần. Thông tin của các bạn cho thấy, hợp đồng có nội dung yêu cầu người lao động làm thêm giờ vượt quá quy định của pháp luật lao động có thể bị vô hiệu từng phần.

Để biết Công ty nơi các bạn làm việc có vi phạm về làm thêm giờ hay không, cần nghiên cứu quy định tại Điều 106 của Bộ luật này như sau:

“1. Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.

2.Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Được sự đồng ý của người lao động;

b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;

c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ”.

Bên cạnh đó, người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào và người lao động không được từ chối trong các trường hợp như thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật; thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa.

Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu được quy định tại Điều 51 Bộ luật này, sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 516 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 là Tòa án nhân dân.

Theo khoản 1 Điều 401 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, “Người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu khi có căn cứ theo quy định của Bộ luật lao động”.

Theo đó, với tư cách người lao động, các bạn có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động đã ký với Công ty có nội dung vi phạm pháp luật là vô hiệu.

Lưu ý, đơn yêu cầu Tòa án phải có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 362 của Bộ luật này. Bao gồm:

“a) Ngày, tháng, năm làm đơn;

b) Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự;

c) Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu;

d) Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó;

đ) Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó (nếu có);

e) Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình;

g) Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức yêu cầu là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp”.

Kèm theo đơn yêu cầu, các bạn càn gửi tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Ví dụ: Hợp đồng lao động đã ký với Công ty; giấy tờ chứng minh việc làm thêm giờ vượt quá quy định của pháp luật lao động

Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần, quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể hoặc theo quy định của pháp luật; các bên tiến hành sửa đổi, bổ sung phần của hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu để phù hợp với thỏa ước lao động tập thể hoặc pháp luật về lao động.

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ