Trách nhiệm trả nợ thay cho người đã chết

CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG:

Bà ngoại tôi mất năm 2017, không để lại di chúc nên di sản thừa kế đã được chia cho các con theo quy định của pháp luật. Mới đây, một người từ nước ngoài về nói rằng năm 2010 có nhờ bà tôi giữ hộ số tiền 300 triệu đồng, đưa ra bằng chứng là giấy viết tay mọi người xác nhận đúng là chữ của bà tôi.

Bà ngoại tôi mất năm 2017, không để lại di chúc nên di sản thừa kế đã được chia cho các con theo quy định của pháp luật.

Mới đây, một người từ nước ngoài về nói rằng năm 2010 có nhờ bà tôi giữ hộ số tiền 300 triệu đồng, đưa ra bằng chứng là giấy viết tay mọi người xác nhận đúng là chữ của bà tôi. Đồng thời, yêu cầu bác trai cả tôi trả nợ thay vì trên đó có cả chữ ký của bác.

Bác cả tôi nhớ lại sự việc đó, nhưng không biết số tiền bà ngoại tôi sử dụng vào việc gì, để ở đâu. Hơn nữa, di sản của bà ngoại tôi để lại không có tiền mặt.

Xin hỏi, trong trường hợp này, bác có phải trả nợ thay cho bà ngoại tôi hay không?

LUẬT SƯ TƯ VẤN:

Bác của bạn phải trả nợ thay cho bà ngoại bạn nếu là người bảo lãnh. Bởi vì, Điều 335 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bảo lãnh như sau:

“1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

2.Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh”.

Về nguyên tắc, chỉ ký tên với tư cách người làm chứng trên giấy tờ xác nhận việc bà ngoại bạn giữ hộ người khác số tiền 300 triệu đồng, bác của bạn không phải thực hiện nghĩa vụ này.

Tuy nhiên, nếu bà ngoại của bạn để lại di sản thừa kế, những người được chia thừa kế có trách nhiệm thưc hiện nghĩa vụ tài sản của bà theo quy định của pháp luật dân sự.

Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”.

Theo Điều 615 của Bộ luật này, việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được quy định cụ thể như sau:

“1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

3.Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4.Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân”.

Di sản của bà ngoại bạn để lại đã được chia cho các con. Nếu việc bà giữ tiền của người khác là đúng, các con của bà với tư cách người thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả số tiền này tương ứng và không vượt quá với trị giá phần di sản được nhận, trừ trường hợp họ có thỏa thuận khác. Chẳng hạn, có người con nào đó nhận trả nợ thay cho người khác hoặc người gửi tiền yêu cầu trả lại số tiền ít hơn…

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ