Trường hợp: Vợ chồng tôi đã chung sống với nhau được 20 năm, nhưng có một điều tế nhị xin hỏi các anh chị tư vấn. Đó là, về chuyện quan hệ tình dục, chồng tôi vẫn quá khỏe, trong khi tôi đã không còn nhu cầu. Thêm nữa, chồng tôi thường xuyên xem và học theo các bộ phim khiêu dâm. Thậm chí, sử dụng các vật dụng hỗ trợ, cưỡng ép khiến tôi bị tổn thương cả về tâm lý và thể xác. Tôi cũng không nhớ nổi bao nhiêu lần mình phải đến bệnh viện để điều trị.
Tôi cũng tâm sự với một số chị em chơi thân với nhau, người thì nói chuyện đó là bình thường để giữ gìn hạnh phúc gia đình và chồng không ngoại tình, người thì cho rằng chồng tôi đã có hành vi bạo lực gia đình và có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật. Không biết quan điểm nào là đúng?
VIETSAVVY tư vấn:
Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về tình nghĩa vợ chồng như sau:
“1. Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.
2. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác”.
Quan hệ vợ chồng đã được Pháp luật công nhận dựa trên Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Do đó, vợ chồng quan hệ tình dục mặc nhiên được pháp luật và xã hội thừa nhận là một nhu cầu tất yếu nhằm duy trì quan hệ hôn nhân và để phát triển xã hội.
Tuy nhiên, điểm đ khoản 1 Điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 cũng quy định “cưỡng ép quan hệ tình dục” là một trong những hành vi bạo lực gia đình và bị nghiêm cấm theo Điều 8 của Luật này. Cụ thể:
“1. Các hành vi bạo lực gia đình quy định tại Điều 2 của Luật này.
2. Cưỡng bức, kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình.
3. Sử dụng, truyền bá thông tin, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động bạo lực gia đình.
4. Trả thù, đe doạ trả thù người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình, người phát hiện, báo tin, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.
5. Cản trở việc phát hiện, khai báo và xử lý hành vi bạo lực gia đình.
6. Lợi dụng hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình để trục lợi hoặc thực hiện hoạt động trái pháp luật.
7. Dung túng, bao che, không xử lý, xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi bạo lực gia đình”.
Thông thường, mâu thuẫn gia đình được giải quyết bởi chính các thành viên gia đình, nhưng cũng có thể thông qua hòa giải bởi dòng họ, tổ chức hòa giải ở cơ sở, cơ quan tổ chức với thành viên gia đình họ khi có yêu cầu của thành viên gia đình; trường hợp cần thiết thì phối hợp với cơ quan, tổ chức ở địa phương để tiến hành hòa giải.
Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các tổ chức thành viên hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các tổ chức hòa giải ở cơ sở thực hiện hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình.
Bên cạnh đó, Điều 42 của Luật này cũng quy định xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình như sau:
“1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi bạo lực gia đình nếu bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của khoản 1 Điều này thì bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục.
3. Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình”.
Cụ thể, Điều 49 Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử lý hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình như sau:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
3.Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này”.
Tóm lại, quan hệ tình dục của vợ chồng được pháp luật và xã hội thừa nhận là nhu cầu tự thân của vợ, chồng. Thông qua đó, hai người có thể thể hiện tình yêu thương, chăm sóc lẫn nhau. Có điều, nếu cưỡng ép, thậm chí sử dụng bạo lực để bắt buộc vợ, chồng quan hệ tình dục được xác định là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý theo quy định nêu trên.
Mặc dù vậy, bạn cũng nên thẳng thắn trao đổi vấn đề này với chồng, tìm biện pháp, cách thức phù hợp để vợ chồng cùng chia sẻ và tận hưởng hạnh phúc của cuộc sống hôn nhân, gia đình.
————————————————————
Công ty Luật TNHH VIETSAVVY
Địa chỉ: 06/61, đường Phạm Tuấn Tài, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam.
Số điện thoại: 0975.879.888
Email: vietsavvy@gmail.com
Website: vietsavvy.vn