Trước hết, cần xác định những người có quyền hưởng thừa kế theo pháp luật. Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 khẳng định thừa kế theo pháp luật được áp dụng khi người chết không có di chúc.
Căn cứ điểm a khoản 1 Điêu 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:
– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết
Như vậy, con cái của người chết sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật. Theo đó, khi người cha mất mà không để lại di chúc thì di sản của người cha sẽ được chia cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất, trong đó có người con.
Tuy nhiên, trong trường hợp người con đăng ký giấy khai sinh không có tên của người cha, xét về mặt pháp lý, người con chưa có đủ minh chứng chứng minh quan hệ huyết thống cha – con ruột, đứng trong hàng thừa kế thứ nhất.
Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 quy định:
– Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân và mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người
Do đó, nếu không có giấy tờ như giấy khai sinh thì rất khó để xác định chính xác quan hệ huyết thống cha – con và xác định có quyền thừa kế di sản của người cha hay không.
Song, người con có thể làm thủ tục nhận cha để được hưởng di sản thừa kế. Căn cứ theo Điều 90 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:
– Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết.
– Con đã thành niên nhận cha, không cần phải có sự đồng ý của mẹ; nhận mẹ, không cần phải có sự đồng ý của cha.
Như vậy, người con có thể làm nhận cha kể cả khi người cha đã chết, trường hợp con đã thành niên thì việc nhận cha cũng không cần sự đồng ý của người mẹ.
Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 101 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì cơ quan Hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp. Còn Tòa án sẽ là cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết.
Ngoài ra, theo Theo Điều 35, Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp huyện nơi cư trú, làm việc của người yêu cầu (người con yêu cầu nhận cha).
Như vậy, để làm thủ tục con nhận cha khi cha đã mất thì người con sẽ nộp hồ sơ khởi kiện lên Toà án nhân dân cấp huyện nơi người con cư trú, làm việc và làm theo hướng dẫn tiếp theo của Toà.