CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG
Vì cần tiền gấp, tôi có mang chiếc xe máy ra chợ xe Trần Đăng Ninh để tìm chỗ cầm cố hoặc bán.Một cửa hàng tại đây đề nghị được mua. Trên giấy tờ mua bán có ghi rõ: Nếu vợ tôi đi công tác về không đồng ý bán, hai bên sẽ hủy bỏ giao dịch này, tôi sẽ được chuộc lại trong khoảng thời gian 10 ngày và phải chịu phạt 1,5 triệu đồng.
Đúng là vợ tôi không đồng ý bán, với lý do đây là kỷ niệm do ông bà ngoại tôi tặng. Tuy nhiên, khi vợ chồng tôi đem giấy tờ này đến thì chủ cửa hàng không những không đồng ý cho chuộc lại, mà còn gọi người đến đe dọa bắt vợ chồng tôi phải ký lại giấy tờ mua bán khác. Trong đó, nội dung là mua đứt, bán đoạn.Chính vì thế, hơn một tuần nay vợ chồng tôi xảy ra mâu thuẫn trầm trọng. Chủ cửa hàng chưa bán chiếc xe cho người khác, mà vẫn trưng bày tại cửa hàng. Tôi muốn hỏi, có cách nào để tôi chuộc lại chiếc xe, dù có phải chịu mức phạt cao hơn?
TƯ VẤN CỦA LUẬT SƯ
Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”.
Có thể nói, đáp ứng các điều kiện nêu trên, về nguyên tắc giao dịch mua bán chiếc xe máy giữa bạn và người chủ cửa hàng có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, thông tin của bạn cho thấy, hai bên đã thỏa thuận giao dịch mua bán có điều kiện là nếu vợ bạn không đồng ý, sẽ có việc chuộc lại chiếc xe, bạn chịu phạt.
Theo khoản 1 Điều 120 của Bộ luật này, “trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh hoặc hủy bỏ”.
Lưu ý, trường hợp điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự không thể xảy ra được do hành vi cố ý cản trở trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên thì coi như điều kiện đó đã xảy ra; trường hợp có sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên cố ý thúc đẩy cho điều kiện xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra.
Theo đó, khi vợ bạn thể hiện rõ hành động không đồng ý bán được hiểu là điều kiện để giao dịch mua bán giữa hai bên bị hủy bỏ. Bạn nhận lại xe và trả lại tiền cho chủ cửa hàng.
Pháp luật cũng quy định về thỏa thuận chuộc lại tài sản đã bán tại Điều 454 của Bộ luật này như sau:
“1. Bên bán có thể thỏa thuận với bên mua về quyền chuộc lại tài sản đã bán sau một thời hạn gọi là thời hạn chuộc lại.
Thời hạn chuộc lại tài sản do các bên thỏa thuận; trường hợp không có thỏa thuận thì thời hạn chuộc lại không quá 01 năm đối với động sản và 05 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm giao tài sản, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Trong thời hạn này, bên bán có quyền chuộc lại bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên mua trong một thời gian hợp lý. Giá chuộc lại là giá thị trường tại thời điểm và địa điểm chuộc lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trong thời hạn chuộc lại, bên mua không được xác lập giao dịch chuyển quyền sở hữu tài sản cho chủ thể khác và phải chịu rủi ro đối với tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Tóm lại, vì đã có thỏa thuận về điều kiện giao dịch mua bán có hiệu lực hay chuộc lại tài sản, nếu không có thỏa thuận khác, vợ chồng bạn và chủ cửa hàng có nghĩa vụ và quyền hạn theo quy định của pháp luật được nêu ở trên.
Bên cạnh đó, việc chủ cửa hàng gọi người đến đe dọa vợ chồng bạn ký hợp đồng mua bán mới, không đảm bảo nguyên tắc tự nguyện dẫn đến hợp đồng này vô hiệu.
Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình. Vợ chồng bạn có quyền tố cáo hành vi này của chủ cửa hàng, yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Điều 131 của Bộ luật này quy định hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:
“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định”.