CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG
Khi ly hôn, vợ chồng chị bạn tôi đồng ý phương án tài sản chung do hai bên thỏa thuận. Tuy vậy, sau đó họ phải đề nghị Tòa án giải quyết nội dung này ở một phiên tòa khác. Trong trường hợp đó, nếu không đồng ý với phán quyết của Tòa án, chị bạn tôi có quyền kháng cáo nữa hay không? Nếu được thì nội dung đơn kháng cáo cần có những thông gì và gửi đơn kháng cáo đến đâu để được giải quyết?
TƯ VẤN CỦA LUẬT SƯ
Theo Điều 271 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, “đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm”.
Nếu không đồng ý với nội dung của bản án sơ thẩm về việc giải quyết tranh chấp chia tài sản chung của vợ chồng, với tư cách đương sự, chị vợ có quyền kháng cáo, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.
Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.
Khi thực hiện quyền kháng cáo, người kháng cáo phải làm đơn kháng cáo, bao gồm các nội dung chính được quy định tại khoản 1 Điều 272 của Bộ luật này. Đó là:
“a) Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;
b) Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo;
c) Kháng cáo toàn bộ hoặc phần của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật;
d) Lý do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo;
đ) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo”.
Người kháng cáo là cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo. Ở phần cuối đơn kháng cáo, người kháng cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ. Nếu không tự mình kháng cáo thì có thể ủy quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo ủy quyền của người kháng cáo, của người kháng cáo ủy quyền kháng cáo; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo ủy quyền kháng cáo và văn bản ủy quyền. Ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo ủy quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.
Theo khoản 7 của Điều này, “đơn kháng cáo phải được gửi cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo. Trường hợp đơn kháng cáo được gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm thì Tòa án đó phải chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của Bộ luật này”. Có nghĩa là, chị vợ phải gửi đơn kháng cáo tới Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định sơ thẩm về việc giải quyết tranh chấp chia tài sản giữa hai vợ chồng họ trước đó. Cũng cần lưu ý, theo khoản 8 của Điều này, “kèm theo đơn kháng cáo, người kháng cáo phải gửi tài liệu, chứng cứ bổ sung (nếu có) để chứng minh cho kháng cáo của mình là có căn cứ và hợp pháp”.
Ví dụ: Nếu quyền sử dụng thửa đất phát sinh trong thời kỳ hôn nhân giữa hai vợ chồng họ, chị vợ cho rằng đó là tài sản riêng của mình thì phải gửi kèm đơn kháng cáo giấy tờ chứng minh như được cho tặng riêng, được thừa kế riêng… Bởi vì, Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này”.
Đồng thời, theo khoản 3 Điều 33 của Luật này, “trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”.
Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm, theo khoản 1 Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, “là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án”.
Trường hợp đơn kháng cáo được gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được xác định căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì.