Bà nội có được đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ?
Con trai tôi và chị H chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Sau đó, hai đứa có với nhau một con chung và khi cháu được 6 tháng tuổi thì chị H để cháu lại (cùng Giấy chứng sinh) cho hai mẹ con tôi rồi bỏ đi đâu không ai biết.
Vì có người nói con trai tôi muốn đi đăng ký khai sinh cho con thì phải làm xét nghiệm ADN để xác định huyết thống và phải mất hàng chục triệu đồng tiền xét nghiệm nên con tôi chần chừ chưa đi làm xét nghiệm để đi đăng ký khai sinh cho cháu. Đến nay, cháu gái tôi đã 11 tuổi và đang học lớp 5. Vừa qua, con trai tôi có liên quan đến vụ án về ma túy và bị bắt tạm giam. Nay, tôi muốn đăng ký khai sinh cho cháu nội thì có được không? Tôi cần đến đâu để khai sinh cho cháu và thủ tục như thế nào?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 30 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền được khai sinh như sau: “1. Cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh.”
Mặt khác, tại Điều 15 Luật Hộ tịch quy định trách nhiệm đăng ký khai sinh như sau:
“1. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
2. Công chức tư pháp – hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn trong thời hạn quy định; trường hợp cần thiết thì thực hiện đăng ký khai sinh lưu động.”
Căn cứ các quy định trên thì bà là người có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh cho cháu nội của mình càng sớm càng tốt nhằm đảm bảo quyền được khai sinh của cháu.
Do mẹ cháu bé bỏ đi không có thông tin, còn bố cháu đang trong thời gian bị tạm giam và cháu chưa được bố làm thủ tục đăng ký cha nhận con và đăng ký khai sinh nên cháu được xác định là thuộc trường hợp “Trẻ chưa xác định được cha, mẹ”. Theo quy định tại Điều 15 nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch về Đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ thì:
“1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ.
2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.
3. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 của Luật Hộ tịch thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.
4. Trường hợp trẻ chưa xác định được mẹ mà khi đăng ký khai sinh cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì giải quyết theo quy định tại Khoản 3 Điều này; phần khai về mẹ trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ em để trống.
5. Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ không thuộc diện bị bỏ rơi, chưa xác định được cha và mẹ được thực hiện như quy định tại Khoản 3 Điều 14 của Nghị định này; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ chưa xác định được cha, mẹ.”
Như vậy, bà nội của cháu cần đến Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn nơi hai bà cháu cư trú để làm thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu theo diện “trẻ chưa xác định được cha, mẹ” theo quy định tại khoản 5 Điều 15 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP nêu trên.
Về thủ tục đăng ký khai sinh được quy định tại Điều 16 Luật Hộ tịch, cụ thể như sau:
“1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.
2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.
Công chức tư pháp – hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.”
Theo quy định này, thì bà cần nộp các giấy tờ bao gồm: Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu quy định và Giấy chứng sinh. Ngoài ra, bà cần xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng và sổ hộ khẩu để chứng minh về nhân thân và nơi cư trú (theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP).
Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ nêu trên, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.
Công chức tư pháp – hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.