MUA TÔ TÔ TỪ NGƯỜI ĐƯỢC UỶ QUYỀN CỦA CHỦ XE CÓ RỦI RO KHÔNG

CÂU HỎI KHÁCH HÀNG:

Tôi đang định mua một chiếc xe ô tô. Chủ sở hữu chiếc xe này đã ủy quyền cho một người khác sử dụng, định đoạt. Không biết người được ủy quyền có quyền ký hợp đồng mua bán cho tôi hay không? Trường hợp nào thì người được ủy quyền có thể ủy quyền lại cho tôi sử dụng, định đoạt đối với chiếc xe này?

 

LUẬT SƯ TRẢ LỜI:

Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về đại diện như sau:

“1. Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

  1. Cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó.
  2. Trường hợp pháp luật quy định thì người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện”.

Căn cứ xác lập quyền đại diện được quy định tại Điều 135 của Bộ luật này. Đó là: “Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (sau đây gọi là đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đại diện theo pháp luật)”.

Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Có nghĩa là, chủ chiếc xe ô tô có quyền ủy quyền cho người khác định đoạt tài sản của mình thông qua việc bán, cho thuê, tặng…

Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện với người thứ ba phù hợp với phạm vi đại diện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện. Người đại diện có quyền xác lập, thực hiện hành vi cần thiết để đạt được mục đích của việc đại diện.

Việc ủy quyền thể hiện thông qua hợp đồng ủy quyền giữa người ủy quyền và người được ủy quyền.

Hợp đồng ủy quyền, theo Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015, “là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Do vậy, trước hết bạn cần kiểm tra hợp đồng ủy quyền giữa chủ xe và người được ủy quyền về phạm vi ủy quyền xem có nội dung ủy quyền định đoạt chiếc xe thông qua việc bán cho người khác hay không. Sau đó, bạn cũng cần xem thời hạn ủy quyền họ thỏa thuận với nhau như thế nào. Bởi vì, Điều 563 của Bộ luật này quy định: “Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền”.

Giả sử hợp đồng ủy quyền ghi nhận chủ xe ủy quyền cho người được ủy quyền sử dụng, định đoạt như bán chiếc xe không xác định giới hạn thời gian thì thỏa thuận đó của họ được pháp luật công nhận, tôn trọng và ủy quyền là không xác định thời hạn. Ngược lại, nếu giữa họ không xác định thời hạn ủy quyền, hợp đồng này chỉ có hiệu lực 01 năm kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.

Theo khoản 1 Điều 564 Bộ luật này, bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác trong trường hợp sau đây:

“a) Có sự đồng ý của bên ủy quyền;

b) Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được”.

Căn cứ quy định nêu trên, chỉ khi được chủ xe đồng ý, có thể trong hợp đồng ủy quyền hoặc sau khi hợp đồng ủy quyền có hiệu lực pháp luật, người được ủy quyền mới có quyền ủy quyền lại cho bạn.

Cũng có thể do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được.

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Trường hợp này rất khó xác định trên thực tế. Cho nên, để hạn chế rủi ro có thể phát sinh, tốt nhất bạn nên ký kết hợp đồng mua bán với người được ủy quyền trong phạm vi và thời hạn của hợp đồng ủy quyền. Trường hợp hai bên thỏa thuận về việc ủy quyền lại thì yêu cầu người được ủy quyền phải có sự đồng ý của chủ xe.

Bạn cũng cần lưu ý, trường hợp trong hợp đồng ủy quyền trước đó đã có nội dung chủ xe đồng ý ủy quyền lại thì theo khoản 2 của Điều này, “việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu”. Đồng thời, khoản 3 của Điều này quy định: “Hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu”.

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ