BẢO HÀNH CÓ PHẢI LÀ NGHĨA VỤ BẮT BUỘC KHI MUA BÁN

CÂU HỎI KHÁCH HÀNG: Cách đây 3 tháng, gia đình tôi mua một chiếc bình nước nóng tại cửa hàng điện máy ở trung tâm huyện. Khi được giới thiệu, vợ chồng tôi cũng có chút do dự vì thương hiệu bình nước nóng này rất mới, công ty sản xuất nổi tiếng hơn ở mặt hàng bồn chứa nước. Nhưng vì nhân viên tư vấn khẳng định toàn bộ linh kiện được nhập khẩu từ các nước G7, Công ty sản xuất uy tín… nên chúng tôi đã đồng ý mua.

Sau hơn một tháng kể từ khi được lắp đặt, chiếc bình nước nóng này hoạt động rất chập chờn, và đến giờ thì không hề có chút nước nóng nào cả. Tôi đã liên hệ trực tiếp với cửa hàng thì được biết, chiếc bình nước nóng tôi mua là sản phẩm trưng bày, giá bán bằng ½ giá thành sản xuất nên không thể đổi cái mới, mà họ chỉ cử nhân viên kỹ thuật đến sửa chữa.

Xin hỏi, cửa hàng điện máy trả lời như vậy có đúng hay không?

 

LUẬT SƯ TRẢ LỜI:

Giữa vợ chồng bạn và cửa hàng điện máy đã phát sinh quan hệ mua bán bình nước nóng thông qua hợp đồng mua bán tài sản.

Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.

Điều 432 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về chất lượng của tài sản mua bán như sau:

“1. Chất lượng của tài sản mua bán do các bên thoả thuận.

2. Trường hợp tiêu chuẩn về chất lượng của tài sản đã được công bố hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì thỏa thuận của các bên về chất lượng của tài sản không được thấp hơn chất lượng của tài sản được xác định theo tiêu chuẩn đã công bố hoặc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Khi các bên không có thoả thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về chất lượng tài sản mua bán thì chất lượng của tài sản mua bán được xác định theo tiêu chuẩn về chất lượng của tài sản đã được công bố, quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo tiêu chuẩn ngành nghề.

Trường hợp không có tiêu chuẩn về chất lượng của tài sản đã được công bố, quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tiêu chuẩn ngành nghề thì chất lượng của tài sản mua bán được xác định theo tiêu chuẩn thông thường hoặc theo tiêu chuẩn riêng phù hợp với mục đích giao kết hợp đồng và theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

Bình đun nước nóng có dự trữ dùng trong gia đình và các mục đích tương tự là loại hàng hóa được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn. Có nghĩa là, mặt hàng này trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường cần được thực hiện các thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng. Chính vì vậy, về nguyên tắc trong trường hợp người mua và người bán không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng, thì chất lượng của hàng hóa sẽ được xác định theo tiêu chuẩn về chất lượng đã được công bố, quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Điều 445 của Bộ luật này quy định về nghĩa vụ bảo đảm chất lượng vật mua bán. Cụ thể:

“1. Bên bán phải bảo đảm giá trị sử dụng hoặc các đặc tính của vật mua bán; nếu sau khi mua mà bên mua phát hiện khuyết tật làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị sử dụng của vật đã mua thì phải báo ngay cho bên bán khi phát hiện ra khuyết tật và có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác, giảm giá và bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Bên bán phải bảo đảm vật bán phù hợp với sự mô tả trên bao bì, nhãn hiệu hàng hoá hoặc phù hợp với mẫu mà bên mua đã lựa chọn.

3. Bên bán không chịu trách nhiệm về khuyết tật của vật trong trường hợp sau đây:

a) Khuyết tật mà bên mua đã biết hoặc phải biết khi mua;

b) Vật bán đấu giá, vật bán ở cửa hàng đồ cũ;

c) Bên mua có lỗi gây ra khuyết tật của vật”.

Rõ ràng, cửa hàng điện máy có trách nhiệm bảo đảm chất lượng bình nước nóng vì họ là bên đã bán trực tiếp hàng hóa này cho vợ chồng bạn. Có điều, trên thực tế mặt hàng này có thể do nhà sản xuất chịu trách nhiệm bảo hành cho người tiêu dùng.

Theo Điều 446 của Bộ luật này, “bên bán có nghĩa vụ bảo hành đối với vật mua bán trong một thời hạn, gọi là thời hạn bảo hành, nếu việc bảo hành do các bên thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

Thời hạn bảo hành được tính kể từ thời điểm bên mua có nghĩa vụ phải nhận vật”.

Trong thời hạn bảo hành, vợ chồng bạn có quyền yêu cầu bên bán (hoặc nhà sản xuất ghi trên phiếu bảo hành) sửa chữa không phải trả tiền, giảm giá, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác hoặc trả lại vật và lấy lại tiền.

Nếu họ không thể sửa chữa được hoặc không thể hoàn thành việc sửa chữa trong thời hạn hợp lý mà vợ chồng bạn yêu cầu, theo khoản 3 Điều 448 của Bộ luật này, vợ chồng bạn “có quyền yêu cầu giảm giá, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác hoặc trả lại vật và lấy lại tiền”.

Ngoài việc yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo hành, theo quy định của pháp luật, vợ chồng bạn còn có quyền yêu cầu họ bồi thường thiệt hại (nếu có) do khuyết tật về kỹ thuật của hàng hóa mà họ đã bán cho mình gây ra trong thời hạn bảo hành.

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ