Con rể có được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật không?

CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG

Sau khi kết hôn, tôi ở với gia đình nhà vợ, bởi vì, tất cả các anh chị em của vợ tôi đều định cư ở nước ngoài.

Bố mẹ vợ tôi lần lượt qua đời, anh chị em vợ tôi đều về chịu tang nhưng không nói gì đến chuyện thừa kế tài sản của ông bà. Chính vì thế, vợ chồng tôi tiếp tục ở căn nhà trước đó, đồng thời quản lý Công ty gia đình đứng tên của bố vợ tôi.

Mới đây, anh cả của vợ tôi yêu cầu vợ chồng tôi phải chia tài sản do bố mẹ để lại. Chúng tôi cũng đồng ý, nhưng anh chị em của vợ tôi lại nhất quyết rằng tôi không được hưởng một phần nào, trong khi, trên thực tế tôi mà là người lo lắng mọi chuyện kinh doanh của Công ty cũng như sửa sang nhà cửa kể từ khi ông bà cáo lui vì tuổi già, ốm đau.

Trường hợp của tôi có được thừa kế tìa sản của bố mẹ vợ hay không?

TƯ VẤN CỦA LUẬT SƯ

Thông tin của bạn cho thấy, sau khi bố mẹ vợ bạn qua đời, tài sản của ông bà chưa được chia thừa kế. Về nguyên tắc, vợ chồng bạn đang quản lý số di sản của họ.

Điều 616 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người quản lý di sản như sau:

“1. Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra.

2. Trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.

3. Trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý”.

Vợ chồng bạn là người quản lý di sản do được chỉ định trong di chúc của bố mẹ vợ bạn hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra. Cũng có thể, di chúc của ông bà không chỉ định người quản lý di sản, đồng thời những người thừa kế chưa cử người quản lý di sản thì với tư cách là người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản, vợ chồng bạn tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.

Theo đó, vợ chồng bạn phải thực hiện nghĩa vụ, cũng như có các quyền của người quản lý di sản được quy định tại Bộ luật này. Ví dụ: Lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản; Thông báo về tình trạng di sản cho những người thừa kế; Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại; Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế… Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế; Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế; Được thanh toán chi phí bảo quản di sản…

Theo Điều 624 của Bộ luật này, “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Do vậy, nếu bố mẹ vợ bạn để lại di chúc hợp pháp, trong đó chỉ định người được hưởng di sản là vợ chồng bạn thì mặc dù là con rể, bạn cũng có quyền hưởng di sản của ông bà. Có nghĩa là, anh chị em của vợ bạn không có quyền yêu cầu chia di sản, trừ trường hợp họ thuộc trường hợp người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc được quy định tại Điều 644 của Bộ luật này. Cụ thể:

“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này”.

Trường hợp bố mẹ vợ bạn không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp, di sản của ông bà sẽ được chia thừa kế theo quy định của pháp luật.

Thừa kế theo pháp luật, theo Điều 649 của Bộ luật này, “là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định”.

Những người thừa kế theo pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 651 Bộ luật này theo thứ tự sau đây:

“a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại”.

Căn cứ quy định nêu trên, khi di sản của ông bà được chia theo pháp luật, vợ của bạn được hưởng di sản của ông bà, theo nguyên tắc những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Nói cách khác, mặc dù đang cùng vợ quản lý di sản, nhưng bạn không được hưởng di sản thừa kế của bố mẹ vợ, mà chỉ được thanh toán chi phí bảo quản di sản, thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế…

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ