Câu hỏi:
Khi làm thủ tục nhận hành lý ký gửi tại Sân bay theo chuyến bay, 01 valy của tôi bị rạch thủng. Qua kiểm tra tôi phát hiện bị mất 01 máy tính xách tay, 01 máy ảnh Canon 7D, 01 điện thoại di động Samsung S7, 20 triệu đồng và một số một số mỹ phẩm như nước hoa, son, phấn. Tôi đã yêu cầu ghi rõ nội dung này khi đại diện hãng hàng không lập biên bản bất thường về hành lý.
Tuy nhiên, đã hơn 10 ngày, hãng hàng không vẫn trả lời đang chờ kết quả xác minh và chưa đưa ra phương án giải quyết cuối cùng sự việc.
Đề nghị các anh chị cho biết, hãng hàng không có bắt buộc phải bồi thường khi hành lý ký gửi của tôi bị mất như vậy hay không?
VIETSAVVY trả lời:
Hành lý ký gửi, theo khoản 1 Điều 149 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 “là hành lý của hành khách được chuyên chở trong tàu bay và do người vận chuyển bảo quản trong quá trình vận chuyển”.
Về nguyên tắc, trước khi lên máy bay, nếu có hành lý ký gửi, hành khách phải thực hiện thủ tục ký gửi hành lý tại quầy check-in của hãng hàng không. Với tư cách người vận chuyển, hãng hàng không phải cấp cho hành khách thẻ hành lý đối với mỗi kiện hành lý ký gửi (mã số thường được dán trên cuống vé để tiện theo dõi, kiểm tra khi hành khách ra khỏi khu vực an ninh).
Thực hiện các công việc này, giữa hãng hàng không và hành khách có hành lý ký gửi đã hình thành hợp đồng vận chuyển tài sản.
Theo Điều 530 Bộ luật Dân sự năm 2015, “hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thoả thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển”.
Về nghĩa vụ của hãng hàng không phát sinh từ hợp đồng vận chuyển hành lý ký gửi của hành khách, Điều 534 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:
“1. Bảo đảm vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn đến địa điểm đã định, theo đúng thời hạn.
2. Giao tài sản cho người có quyền nhận.
3. Chịu chi phí liên quan đến việc chuyên chở tài sản, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
4. Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.
5. Bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển trong trường hợp bên vận chuyển để mất, hư hỏng tài sản, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Có nghĩa là, nếu hành lý ký gửi bị mất, hãng hàng không đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bạn.
Khoản 1 Điều 161 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 quy định về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của người vận chuyển đối với hành lý ký gửi như sau:
“1. Người vận chuyển có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hàng hóa, hành lý ký gửi do sự kiện xảy ra từ thời điểm người gửi hàng, hành khách giao hàng hóa, hành lý ký gửi cho người vận chuyển đến thời điểm người vận chuyển trả hàng hóa, hành lý ký gửi cho người có quyền nhận; đối với vận chuyển hàng hóa, thời gian trên không bao gồm quá trình vận chuyển bằng đường biển, đường bộ, đường sắt hoặc đường thuỷ nội địa được thực hiện ngoài cảng hàng không, sân bay”.
Về mức bồi thường thiệt hại, Điều 162 của Luật Hàng không dân dụng Việt Năm năm 2006 quy định:
“1. Mức bồi thường của người vận chuyển đối với mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hàng hóa, hành lý được tính như sau:
a) Theo thoả thuận giữa các bên, nhưng không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế;
b) Theo mức giá trị đã kê khai của việc nhận hàng hóa, hành lý ký gửi tại địa điểm đến. Trường hợp người vận chuyển chứng minh được giá trị đã kê khai cao hơn giá trị thực tế thì mức bồi thường được tính theo giá trị thiệt hại thực tế;
c) Theo giá trị thiệt hại thực tế đối với hàng hóa, hành lý ký gửi không kê khai giá trị;
d) Theo giá trị thiệt hại thực tế đối với hành lý xách tay.
2. Trong trường hợp hàng hóa, hành lý ký gửi không kê khai giá trị mà bị mất mát, thiếu hụt, hư hỏng và không xác định được giá trị thiệt hại thực tế thì mức bồi thường của người vận chuyển được tính đến mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 166 của Luật này”.
Nếu không có tài sản có giá trị lớn, thông thường hành khách đi máy bay không kê khai giá trị của hành lý ký gửi. Khi xảy ra mất mát, hư hỏng, nếu chứng minh được không phải do lỗi của mình, hoặc do hoàn toàn do lỗi của bên thứ ba, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của hãng hàng không được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 166 Luật này như sau: “Đối với vận chuyển hành lý, bao gồm cả hành lý ký gửi và hành lý xách tay, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm là một nghìn đơn vị tính toán cho mỗi hành khách; trường hợp hành khách có kê khai giá trị của việc nhận hành lý ký gửi tại địa điểm đến và trả một khoản phí bổ sung thì người vận chuyển phải bồi thường theo mức giá trị đã được kê khai, trừ trường hợp người vận chuyển chứng minh được rằng giá trị đã kê khai lớn hơn giá trị thực tế”.
Tóm lại, vì có hành vi vi phạm hợp đồng vận chuyển tài sản, cụ thể là không đảm bảo vận chuyển đầy đủ, an toàn, dẫn đến làm mất hành lý ký gửi của bạn, hãng hàng không có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho bạn theo các quy định của pháp luật nêu trên.
Nếu họ không thực hiện nghĩa vụ, bạn có quyền khiếu nại, khởi kiện họ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình theo Điều 170 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 như sau:
“1. Hành khách, người gửi hàng, người nhận hàng hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại, khởi kiện người vận chuyển để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi bị xâm hại.
2. Trước khi khởi kiện về mất mát, thiếu hụt, hư hỏng, vận chuyển chậm hàng hóa, hành lý ký gửi, người có quyền khởi kiện quy định tại khoản 1 Điều này phải khiếu nại bằng văn bản đến người vận chuyển trong thời hạn sau đây:
a) Bảy ngày, kể từ ngày nhận hành lý trong trường hợp mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hành lý;
b) Mười bốn ngày, kể từ ngày nhận hàng trong trường hợp thiếu hụt, hư hỏng hàng hóa; hai mươi mốt ngày, kể từ ngày phải trả hàng trong trường hợp mất mát hàng hóa;
c) Hai mươi mốt ngày, kể từ ngày người có quyền nhận đã nhận được hành lý hoặc hàng hóa trong trường hợp vận chuyển chậm.
3. Người vận chuyển phải thông báo cho người khiếu nại biết việc chấp nhận hoặc không chấp nhận khiếu nại trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Trường hợp khiếu nại không được chấp nhận hoặc quá thời hạn trên mà không nhận được thông báo trả lời thì người khiếu nại có quyền khởi kiện.
4. Việc khởi kiện về trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với người vận chuyển chỉ được thực hiện theo các điều kiện và mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại Luật này.
5. Trường hợp việc khiếu nại không được thực hiện trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này thì việc khởi kiện không có giá trị, trừ trường hợp có sự lừa dối từ phía người vận chuyển hoặc người có quyền khiếu nại có lý do chính đáng”.