BÁN RƯỢU GÂY NGỘ ĐỘC BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO

CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG:

Tôi có mời các bạn có đến một nhà hàng ăn uống. Sau khi uống rượu một số người có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. 5 người biểu hiện nặng phải cấp cứu tại bệnh viện. Bác sĩ cho biết chúng tôi bị ngộ độc rượu do trong rượu có chứa cồn công nghiệp. Xin hỏi chủ cửa hàng có trách nhiệm bồi thường cho chúng tôi như thế nào? Hành vi chủ cửa hàng kinh doanh rượu không đủ điều kiện an toàn thực phẩm bị xử lý như thế nào?

LUẬT SƯ TRẢ LỜI:

Tại khoản 20 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm năm 2010 quy định như sau: “Thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản. Thực phẩm không bao gồm mỹ phẩm, thuốc lá và các chất sử dụng như dược phẩm”.

Tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ quy định về kinh doanh rượu như sau: “ Rượu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men (có hoặc không chưng cất) từ tinh bột của các loại ngũ cốc, dịch đường của cây và hoa quả hoặc được pha chế từ cồn thực phẩm. (Ethanol).Rượu không bao gồm: Bia các loại; nước trái cây lên men các loại có độ cồn dưới 5% theo thể tích”.

Như vậy rượu xác định là một loại thực phẩm.

Tại khoản 10 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm  quy định như sau: “Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý do hấp thụ thực phẩm bị ô nhiễm hoặc có chứa chất độc”.

Tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ quy định về hành vi nghiêm cấm trong kinh doanh rượu như sau: “ Sử dụng cồn thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn, cồn công nghiệp hoặc nguyên liệu bị cấm khác để sản xuất, pha chế rượu”.

Hành vi kinh doanh rượu mà rượu đó chứa cồn công nghiệp là hành vi nghiêm cấm trong kinh doanh rượu. Trường hợp bạn bè của bạn bị ngộ độc rượu mà là do sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm thì chủ cửa hàng bị xử lý theo Điều 6 Luật An toàn thực phẩm như sau:

“1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật…”.

Tại khoản 4, khoản 5, điểm b khoản 6 Điều 21 Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm quy định như sau:

“Điều 21. Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình chế biến suất ăn sẵn; căng tin kinh doanh ăn uống; bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; nhà hàng ăn uống

      4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống không bảo đảm an toàn thực phẩm dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

  1. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống từ 01 tháng đến 03 tháng trong trường hợp tái phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 4 Điều này.

  1. Biện pháp khắc phục hậu quả:

                   b) Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm đối với hành vi quy định tại Khoản 4 Điều này.”

Như vậy, chủ cửa hàng có trách nhiệm chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc rượu, khám, điều trị cho bạn bè của bạn, bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.00 đồng, Đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống từ 01 tháng đến 03 tháng.

Trong trường hợp hành vi kinh doanh rượu có chứa cồn công nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe 5 người thì chủ cửa hàng có thể bị truy tố theo điểm e khoản 1 Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, chủ cửa hàng bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Ngoài ra, chủ cửa hàng  còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm theo khoản 5 Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015.

“Điều 317. Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

  • d) Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
  • e) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm đ khoản này hoặc chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 05 người đến 20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ