BẢO ĐẢM TIỀN VAY BẰNG TÀI SẢN HÌNH THÀNH TỪ VỐN VAY

CÂU HỎI KHÁCH HÀNG: Em cho bạn học cùng lớp vay 5 triệu đồng để đóng học phí, không lấy lãi, thời hạn trả là sau kỳ nghỉ hè khi chúng em khai giảng năm thứ 2 Đại học. Bạn ấy tự nguyện đưa cho em chiếc điện thoại Samsung Galaxy S6, đồng thời cam kết nếu không trả được tiền đúng hạn, em có thể dùng luôn chiếc điện thoại này.

Toàn bộ nội dung vay tiền, đưa chiếc điện thoại cho em và thỏa thuận nêu trên chúng em có ghi nhận bằng giấy viết tay, cùng ký tên, mỗi đứa giữ một bản.

Đến hạn, bạn ấy đề nghị em đưa lại chiếc điện thoại để bán lấy tiền trả cho em, nhưng em không đồng ý. Bạn ấy nói rằng, chiếc điện thoại mua lúc mới là 10 triệu đồng, đã sử dụng một thời gian, nếu em muốn lấy để trừ nợ thì phải bù cho bạn ấy 3 triệu đồng.

Đề nghị các anh chị cho biết, do bạn em không trả tiền, em có thể lấy luôn chiếc điện thoại như thỏa thuận ban đầu giữa chúng em hay không?

 

LUẬT SƯ TRẢ LỜI:

Thỏa thuận giữa các bạn, được ghi nhận bằng văn bản làm phát sinh hợp đồng vay tài sản và cầm cố tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật dân sự. Cụ thể:

Theo Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015, “hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Cầm cố tài sản, theo Điều 309 của Bộ luật này, “là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”.

Có nghĩa là, khi đến hạn, người vay phải trả lại số tiền đã vay cho bạn. Nếu không thực hiện, người đó đã vi phạm nghĩa vụ. Về nguyên tắc, tài sản bảo đảm sẽ được xử lý theo một trong những phương thức được quy định tại Điều 303 Bộ luật này như sau:

“1. Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:

a) Bán đấu giá tài sản;

b) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;

c) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;

d) Phương thức khác.

2. Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác”.

Theo thông tin bạn cung cấp, các bạn đã thỏa thuận nếu người vay không trả nợ đúng hạn, bạn có quyền sử dụng chiếc điện thoại Samsung Galaxy S6. Đó chính là thỏa thuận xử lý tài sản bảo đảm bằng phương thức “bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm”.

Về việc nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm, Điều 305 của Bộ luật này quy định chi tiết như sau:

“1. Bên nhận bảo đảm được quyền nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm nếu có thỏa thuận khi xác lập giao dịch bảo đảm.

2. Trường hợp không có thỏa thuận theo quy định tại khoản 1 Điều này thì bên nhận bảo đảm chỉ được nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ khi bên bảo đảm đồng ý bằng văn bản.

3. Trường hợp giá trị của tài sản bảo đảm lớn hơn giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm thì bên nhận bảo đảm phải thanh toán số tiền chênh lệch đó cho bên bảo đảm; trường hợp giá trị tài sản bảo đảm nhỏ hơn giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm thì phần nghĩa vụ chưa được thanh toán trở thành nghĩa vụ không có bảo đảm.

4. Bên bảo đảm có nghĩa vụ thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên nhận bảo đảm theo quy định của pháp luật”.

Tóm lại, vì các bạn đã có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm, nên bạn có quyền nhận chính chiếc điện thoại để thay thế nghĩa vụ trả nợ của người vay. Đồng nghĩa với việc người vay có trách nhiệm chuyển quyền sở hữu chiếc điện thoại cho bạn.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý sự chênh lệch giữa số tiền bạn cho vay 5 triệu đồng với trị giá của chiếc điện thoại. Nếu trị giá chiếc điện thoại cao hơn 5 triệu đồng, theo khoản 3 Điều 305 nêu trên, bạn có nghĩa vụ trả số tiền chênh lệch cho người vay.

Trên thực tế, việc xác định trị giá của hàng hóa đã qua sử dụng là rất khó khăn. Các bạn có thể thỏa thuận, thống nhất để hai bên cùng hài lòng. Các bạn cũng có thể mang chiếc điện thoại này đến cửa hàng mua bán điện thoại nhờ tư vấn, thậm chí bán cho họ để hai bên thực hiện quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng vay tài sản.

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ