CHỒNG YÊU CẦU LY HÔN ĐƠN PHƯƠNG TRƯỚC KHI CON ĐƯỢC SINH RA

Trường hợp: Vợ chồng tôi nhờ người khác mang thai hộ. Còn khoảng 3 tháng nữa thì con của chúng tôi sẽ ra đời. Có điều, ngay tại thời điểm này chồng tôi nhất quyết đòi ly hôn vì phát hiện trước đây tôi có quan hệ đi quá giới hạn với người khác.

Chuyện ngoài luồng của tôi xảy ra chỉ là nhất thời khi cả hai đều chán chường vì vợ chồng lấy nhau mãi nhưng không có con. Chồng tôi lúc đó cũng cặp kè với nhiều người…

Tôi có thể lấy lý do sắp có con để ngăn cản chuyện chồng xin ly hôn đơn phương, để anh ấy nghĩ lại được hay không? Trường hợp không được, khi con của chúng tôi sinh ra thì trách nhiệm của anh ấy với con là như thế nào?

VIETSAVVY trả lời:

Khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con”.

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Tòa án đã giải quyết ly hôn phải gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên ly hôn; cá nhân, cơ quan, tổ chức khác theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và các luật khác có liên quan.

Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn được quy định tại Điều 51 của Luật này như sau:

“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

  1. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
  2. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.

Căn cứ quy định nêu trên, chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Tuy nhiên, vợ chồng bạn đang áp dụng phương pháp nhờ mang thai hộ. Theo Điều 94 của Luật này, “con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra”. Có nghĩa là, bạn không thuộc một trong các trường hợp đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Vì thế, về nguyên tắc việc chồng bạn thực hiện thủ tục đề nghị giải quyết ly hôn đơn phương không bị pháp luật hiện tại nghiêm cấm.

Hình ảnh minh họa

Sau khi con của vợ chồng bạn được sinh ra, mặc dù hai người đã ly hôn nhưng trong quan hệ với cháu, chồng bạn vẫn là bố và có đầy đủ quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con, bao gồm việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con (áp dụng theo quy định tại các điều 81, 82, 83 và 84 của Luật này). Đó là:

Theo Điều 81 của Luật này, việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn được quy định như sau:

“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

  1. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
  2. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.

Nếu bạn là người trực tiếp nuôi con theo thỏa thuận trước đó, bố của cháu có các quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 82 của Luật này. Cụ  thể:

“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

  1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
  2. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.

Nếu bố của cháu không thực hiện nghĩa vụ, bạn có quyền yêu cầu người này thực hiện hoặc đề nghị Tòa án giải quyết bắt buộc người này thực hiện nghĩa vụ, cũng như tôn trọng quyền được nuôi con của mình. Bên cạnh đó, với tư cách người trực tiếp nuôi con, bạn không được cản trở bố của cháu trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

———————————————————————–

Công ty Luật TNHH VIETSAVVY

Địa chỉ: 06/61, đường Phạm Tuấn Tài, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam.

Số điện thoại: 0975.879.888

Email: vietsavvy@gmail.com

Website: vietsavvy.vn

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ