HACK TÀI KHOÀN FACEBOOK BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO? TỘI GÌ?

HACK TÀI KHOÀN FACEBOOK BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO? TỘI GÌ?

Trường hợp: Con trai tôi thường xuyên bị người khác lấy mất tài khoản facebook, truy cập và sửa đổi thông tin cháu đăng tải trước đó thành nội dung xấu. Có vài lần cháu biết chính xác ai là người làm chuyện này. Xin hỏi, người có hành vi như trên sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

VIETSAVVY tư vấn:

Như chúng ta đã biết, facebook cá nhân thuộc quyền sở hữu của chính cá nhân đó. Theo Điều 158 Bộ luật Dân sự năm 2015, “quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật”.

Bị người khác chiếm đoạt facebook cá nhân, chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật.

Một trong những hành vi bị nghiêm cấm, theo khoản 3 Điều 12 Luật Viễn thông năm 2009 là “thu trộm, nghe trộm, xem trộm thông tin trên mạng viễn thông; trộm cắp, sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông, mật khẩu, khóa mật mã và thông tin riêng của tổ chức, cá nhân khác”.

Chính vì vậy, ngoài trách nhiệm dân sự do chiếm đoạt bất hợp pháp facebook cá nhân của người khác, vi phạm điều cấm của pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra người này sẽ bị xử lý hành chính, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, Điều 80 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ, vi phạm quy định về cung cấp, sử dụng trái phép thông tin trên mạng sẽ bị xử lý hành chính như sau:

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển thiết bị số hoặc thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số hoặc thay đổi tham số cài đặt thiết bị số hoặc thu thập thông tin của người khác;

b) Xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng;

c) Cản trở hoạt động cung cấp dịch vụ của hệ thống thông tin;

d) Ngăn chặn việc truy nhập đến thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng, trừ trường hợp pháp luật cho phép;

đ) Làm mất an toàn, bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân khác được trao đổi, truyền đưa, lưu trữ trên môi trường mạng.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này”.

Bạn cần đối chiếu quy định nêu trên để tìm hiểu về mức phạt tiền mà người chiếm đoạt facebook của con trai bạn phải thực hiện. Ví dụ, đó chỉ là hành vi trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật khẩu facebook của cháu thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Trường hợp người này truy cập vào facebook của con trai bạn, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin trong đó thì sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Cũng cần lưu ý, mức phạt tiền nêu trên là trường hợp tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Trường hợp cá nhân thực hiện hành vi vi phạm, mức phạt tiền sẽ bằng một nửa. Bởi vì, theo khoản 3 Điều 4 của Nghị định này, “mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VII tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại Điều 106 Nghị định này. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức”.

Điều 289 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác  như sau:

“1. Người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

đ) Đối với trạm trung chuyển internet quốc gia, hệ thống cơ sở dữ liệu tên miền và hệ thống máy chủ tên miền quốc gia;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh;

b) Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông;

c) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

d) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Hành vi vi phạm được thực hiện thông qua các phương thức như: Vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ.

Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ thời điểm thực hiện hành vi truy cập trái phép bằng một trong các thủ đoạn trên. Hậu quả của tội phạm không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm này.

Lỗi của chủ thể là lỗi cố ý. Chủ thể nhận thức được hành vi xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của người khác là nguy hiểm, nhưng vẫn thực hiện.

Mục đích phạm tội là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm. Đó là xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử, gồm: Sử dụng bất hợp pháp quyền quản trị, quyền quản lý, vận hành, khai thác và duy trì hoạt động ổn định hệ thống mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của người khác; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử làm cho phương tiện đó hoạt động không đúng quy luật hoặc sử lý số liệu sai, có lợi cho người phạm tội; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu; Sử dụng trái phép dịch vụ mạng máy tính, mạng viễn thông.

 

 

 

——————————————————————-

Công ty Luật TNHH VIETSAVVY

Địa chỉ: 06/61, đường Phạm Tuấn Tài, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam.

Số điện thoại: 0975.879.888

Email: vietsavvy@gmail.com

Website: vietsavvy.vn

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ