SỬ DỤNG RƯỢU BIA KHI THAM GIA GIAO THÔNG VÀ ĐÁNH NGƯỜI BỊ THƯƠNG TRONG TÌNH TRẠNG SAY XỈN

CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG

Tối chủ nhật vừa rồi, anh trai tôi được bạn bè mời đi uống bia và anh bị các bạn chuốc uống nhiều dẫn đến say. Đến đêm khuya, mặc dù đang bị say bia nhưng anh tôi vẫn đi xe máy để về nhà và trên đường về anh tôi bị các anh cảnh sát giao thông dừng xe để kiểm tra giấy tờ, yêu cầu đo nồng độ cồn vì anh tôi có biểu hiện đi xe máy không vững có nguy cơ gây tai nạn giao thông. Do say bia nên anh tôi đã chửi bới lảm nhảm, không chấp hành yêu cầu của các anh cảnh sát giao thông, còn xông vào đánh một anh cảnh sát giao thông, sau đó do đã ngấm men bia nên anh tôi lăn ra vệ đường ngủ không biết gì. Xin cho biết, anh tôi đánh người bị thương trong tình trạng say bia như vậy có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Nếu có thì anh tôi bị xử lý như thế nào?

TƯ VẤN CỦA LUẬT SƯ

Điều 13 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy đinh phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác như sau:

“Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Như vậy, hành vi đánh cảnh sát giao thông gây thương tích mặc dù trong tình trạng bị say bia thì anh bạn vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm của mình.

Về việc xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật của anh bạn:

Thứ nhất, đối với hành vi phạm pháp luật về giao thông: Việc anh bạn say bia mà vẫn điều khiển xe máy tham gia giao thông là đã vi phạm quy định tại khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ về các hành vi bị nghiêm cấm: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” và khoản 6 Điều 5 Luật phòng, chống tác hại của rượu bia về các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.”

Với hành vi vi phạm về nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở khi tham gia giao thông thì tùy theo mức độ vi phạm cụ thể, anh bạn sẽ bị phạt tiền với các mức sau:

– Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng (theo quy định tại điểm c, khoản 6, Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt).

– Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (theo quy định tại điểm c, khoản 7, Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt).

– Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (theo quy định tại điểm e, khoản 8, Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt).

Ngoài ra, với hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ thì anh bạn còn bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (theo quy định tại điểm g, khoản 8, Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt).

Thứ hai, đối với hành vi vi phạm pháp luật hình sự: Theo quy định tại Điều 330 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội chống người thi hành công vụ như sau:

“1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm.”

Như vậy, với hành vi chửi bới, không chấp hành yêu cầu và đánh cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ của anh bạn đã có đủ yếu tố cấu thành tội chống người thi hành công vụ và anh bạn có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 330 Bộ luật hình sự nêu trên với khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Trong trường hợp anh bạn đánh người gây thương tích thì tùy mức độ thương tích của người bị đánh mà anh bạn có thể sẽ bị xử lý thêm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cụ thể như sau:

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

3.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

4.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

5.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm chết 02 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

6.Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ