THOẢ THUẬN VỀ CHẾ ĐỘ TÀI SẢN CỦA VỢ CHỒNG BỊ VÔ HIỆU HOÁ KHI NÀO?

CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG:

Vợ chồng em gái tôi ly hôn. Theo quyết định của Tòa án, em gái tôi nuôi con và em rể tôi có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Sau một năm, em rể tôi kết hôn với người khác và không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nói trên, với lý do bị tạm ngừng việc và thu nhập bị giảm. Qua tìm hiểu thì sự thật là trước khi kết hôn, em rể tôi với người vợ sau đã thỏa thuận chuyển mọi tài sản của em rể tôi, bao gồm số tiền gửi ngân hàng cho người này đứng tên.

Xin hỏi, bị giảm thu nhập có phải lý do để từ chối thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng hay không? Tài sản đã chuyển cho người vợ mới có thể là nguồn để cấp dưỡng hay không?

TƯ VẤN CỦA LUẬT SƯ:

Khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này”.

Theo Điều 110 của Luật này, “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.

Tòa án quyết định em gái bạn nuôi con và em rể bạn sẽ là người phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Nghĩa vụ này chỉ chấm dứt trong các trường hợp được quy định tại Điều 118 của Luật này. Đó là:

  1. Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình;
  2. Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;
  3. Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;
  4. Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;
  5. Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn;
  6. Trường hợp khác theo quy định của luật”.

Nghĩa là, bị giảm thu nhập không phải là lý do để em rể bạn từ chối thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Theo quy định tại Điều 119 của Luật này, những người sau đây có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng:

“1.Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc             người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện           nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm       b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó”.

Bên cạnh đó, căn cứ thông tin bạn cung cấp, trước khi kết hôn với người vợ sau, em rể bạn đã chuyển toàn bộ tài sản, bao gồm tiền tiết kiệm gửi ngân hàng cho người này. Sau đó, không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Có thể hiểu, em rể bạn và người vợ mới đã có thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng. Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 50 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, thỏa thuận này có thể bị Tòa án tuyên bố vô hiệu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

“a) Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan;

b) Vi phạm một trong các quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này;

c) Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và                thành viên khác của gia đình”.

Hướng dẫn chi tiết thực hiện nội dung này, Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 giữa Tòa Án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp quy định:

“1. Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng có thể bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu một phần.

a) Trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp                dụng.

b) Trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị tuyên bố vô hiệu một phần thì các nội dung không bị vô hiệu vẫn được áp dụng; đối với phần         nội dung bị vô hiệu thì các quy định tương ứng về chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng.

Tòa án quyết định tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu khi thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật hôn nhân và gia đình và lưu ý một số trường hợp sau đây:

  1. Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu do vi phạm quyền được bảo đảm chỗ ở của vợ, chồng quy định tại Điều 31 và điểm b khoản 1 Điều 50 của Luật hôn nhân và gia đình là trường hợp thỏa thuận đó cho phép một bên được quyền định đoạt nhà ở là nơi ở duy nhất của vợ chồng    dẫn đến vợ, chồng không có chỗ ở hoặc không bảo đảm chỗ ở tối thiểu về diện tích, điều kiện sinh hoạt, an toàn, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật về nhà ở.
  2. Nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu do vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và các      quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật hôn nhân và gia đình là trường hợp thỏa thuận đó nhằm trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng quy định từ Điều 110 đến Điều 115 của Luật hôn nhân và gia đình hoặc để tước bỏ quyền thừa kế của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự hoặc vi phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình đã được Luật hôn nhân và gia đình và pháp luật khác có liên quan quy định”.

Như vậy, với tư cách là người giám hộ của con, em gái bạn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản giữa em rể bạn và người vợ sau bị vô hiệu do thỏa thuận này xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của con. Hay nói cách khác, vì thỏa thuận này mà em rể bạn từ chối việc cấp dưỡng nên sẽ bị Tòa án tuyên vô hiệu.

Sau khi Tòa án tuyên vô hiệu, số tài sản của em rể bạn cũng chính là nguồn để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ