XỬ LÝ HÀNH VI CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN THẾ NÀO

XỬ LÝ HÀNH VI CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN THẾ NÀO

Bạn gái em trót lấy của chị đồng nghiệp chiếc ví, trong đó có ít tiền. Sau khi biết chị này thuê thám tử điều tra, bạn gái em đã thú nhận, xin lỗi và trả lại toàn bộ. Có điều, chị ấy đưa bản hợp đồng thuê thám tử, với chi phí đã thanh toán 12 triệu đồng và bảo tùy bạn gái em quyết định chịu trách nhiệm như thế nào. Nếu không, thám tử sẽ làm việc với bạn gái em.

Bạn gái em rất lo sợ, nên đã chuyển thêm cho chị này 3 triệu, và hứa sẽ trả tiếp mỗi tháng 2 triệu đến khi hết số tiền 12 triệu nói trên.

Các anh chị cho hỏi:

– Nếu bị tố cáo, bạn gái em có thể bị xử lý như thế nào?

– Người bị mất ví, tiền có quyền yêu cầu bạn gái em trả số tiền họ đã thuê thám tử hay không?

VIETSAVVY trả lời:

  1. Bạn không nói rõ tổng trị giá của chiếc ví và số tiền bạn gái bạn đã lấy của người khác. Cho nên, về nguyên tắc, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi, bạn gái bạn có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự. Cụ thể:

– Bạn gái bạn có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng vì đã có hành vi “Trộm cắp tài sản” được quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.

Điều 173 Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự số 01/2017/VBHN-VPQH ngày 10/7/2017 của Văn phòng Quốc hội quy định về Tội trộm cắp tài sản như sau:

“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Tài sản là bảo vật quốc gia;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng”.

Tóm lại, nếu thực hiện hành vi trộm cắp tài sản của người khác, với trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp nêu trên, bạn gái của bạn có thể bị xử lý hình sự. Không thuộc trường hợp này, bạn gái của bạn có thể bị xử lý vi phạm hành chính vì gây thiệt hại đến tài sản của người khác.

  1. Hợp đồng giữa chị đồng nghiệp của bạn gái bạn với thám tử là hợp đồng dân sự. Theo đó, trách nhiệm trả 12 triệu đồng cho thám tử là của người này, không phải của bạn gái bạn. Do vậy, việc người này đưa ra bản hợp đồng và thông báo nội dung cho bạn gái bạn có thể được hiểu theo hai trường hợp như sau:

Một là, người này đưa ra đề nghị về việc thỏa thuận chia sẻ chi phí thuê thám tử. Nếu bạn gái bạn tự nguyện đồng ý, đó cũng là thỏa thuận dân sự và được pháp luật bảo vệ.

Hai là, nếu hành vi đó được xác định là “dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để để buộc người khác đưa tiền, tài sản” được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, người này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2 triệu đến 5 triệu đồng.

Thậm chí, nếu hành vi đó được xác định là đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, người này còn có thể bị xử lý hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản được quy định tại Điều 170 Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự số 01/2017/VBHN-VPQH ngày 10/7/2017 của Văn phòng Quốc hội. Đó là:

“1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

———————————-

 

Công ty Luật TNHH VIETSAVVY

Địa chỉ: 06/61, đường Phạm Tuấn Tài, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam.

Số điện thoại: 0975.879.888

Email: vietsavvy@gmail.com

Website: vietsavvy.vn

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ