XỬ LÝ NGƯỜI CÓ HÀNH VI NGƯỢC ĐÃI, HÀNH HẠ THÀNH VIÊN GIA ĐÌNH

XỬ LÝ NGƯỜI CÓ HÀNH VI NGƯỢC ĐÃI, HÀNH HẠ THÀNH VIÊN GIA ĐÌNH

Trường hợp: Ông hàng xóm cạnh gia đình nhà tôi thường xuyên uống rượu say, chửi bới vợ con. Thậm chí, khi vợ con mắc lỗi gì đó, ông ta còn không cho họ ăn uống; cắt xé quần áo và bắt họ mặc rách rưới đi ra ngoài… Không biết đó có phải là hành vi bạo lực gia đình hay không? Trưởng ban quản trị tòa nhà và Tổ trưởng Tổ dân phố đã nhiều lần khuyên ngăn nhưng đâu vẫn vào đó. Trong Hội nghị nhà chung cư vừa rồi, các bác này thông báo, nếu ông ấy tiếp tục có hành vi tương tự sẽ báo chính quyền địa phương xử lý dù vợ con ông ấy có tố cáo hay không. Xin hỏi, mức phạt tiền áp dụng cho trường hợp này là bao nhiêu?

VIETSAVVY tư vấn:

Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

Các hành vi bạo lực gia đình được quy định tại Điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 như sau:

“1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;

e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;

g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;

h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;

i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng”.

Quan hệ giữa các thành viên gia đình thường được xem là vấn đề riêng của mỗi nhà. Vì thế, trên thực tế, việc phòng chống và xử lý hành vi bạo lực gia đình gặp nhiều khó khăn. Có thể chính người bị bạo lực nghĩ đây là vấn đề tế nhị nên cam chịu, không muốn để người ngoài biết. Rất hiếm có trường hợp họ tố cáo người thân đã có hành vi bạo lực với mình. Cho nên, nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình là kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hoà giải phù hợp với truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Hành vi bạo lực gia đình được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật. Nạn nhân bạo lực gia đình được bảo vệ, giúp đỡ kịp thời phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của họ và điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước; ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, người cao tuổi, người tàn tật và phụ nữ. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Điều 42 của Luật này quy định về xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình như sau:

“1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi bạo lực gia đình nếu bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của khoản 1 Điều này thì bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục.

3. Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình”.

Một trong những biện pháp xử lý đối với người có hành vi bạo lực gia đình là giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng được quy định tại Điều 43 của Luật này. Cụ thể:

“1. Người thường xuyên có hành vi bạo lực gia đình đã được góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư mà trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày áp dụng biện pháp này vẫn có hành vi bạo lực gia đình nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

2. Người có hành vi bạo lực gia đình đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà tiếp tục thực hiện hành vi bạo lực gia đình nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; đối với người dưới 18 tuổi thì có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

3. Thẩm quyền, thời hạn, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính”.

Thông tin của bạn cho thấy, người đàn ông đã có hành vi hành hạ, ngược đãi vợ con. Theo khoản 1 Điều 50 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây bị phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng:

“a) Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;

b) Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ”.

Đồng thời, theo khoản 2 của Điều này, người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này”.

Hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình, theo khoản 1 Điều 51 Nghị định này bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Khi nạn nhân có yêu cầu, người này cũng bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc xin lỗi công khai.

Việc xử lý người có hành vi bạo lực gia đình căn cứ vào hành vi cụ thể, tính chất, mức độ hành vi và hậu quả xảy ra. Cho nên, có thể không chỉ dừng ở xử lý vi phạm hành chính, mà người vi phạm còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

 

—————————————————————

Công ty Luật TNHH VIETSAVVY

Địa chỉ: 06/61, đường Phạm Tuấn Tài, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam.

Số điện thoại: 0975.879.888

Email: vietsavvy@gmail.com

Website: vietsavvy.vn

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ