THANH TOÁN NỢ KHI DOANH NGHIỆP BỊ PHÁ SẢN

CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG

Tôi cho một Doanh nghiệp tư nhân vay 500 triệu đồng. Vì có quen biết với vợ của giám đốc nên tôi không yêu cầu cầm cố, thế chấp gì. Tuy vậy, hai bên vẫn ghi nhận bằng hợp đồng và có xác nhận của văn phòng công chứng.

Từ nửa năm nay, lấy lý do làm ăn không thuận, họ đã không trả được gốc, lãi cho tôi. Giám đốc doanh nghiệp còn thừa nhận đang bị các chủ nợ khác đề nghị phá sản. Trong trường hợp xấu nhất đó, số tiền vay của tôi sẽ được giải quyết theo nguyên tắc và thứ tự phân chia tài sản của thủ tục phá sản.

Hợp đồng cho vay giữa tôi và doanh nghiệp nói trên là hợp đồng dân sự. Xin hỏi, nếu tài sản của doanh nghiệp không đủ để trả cho tôi, giám đốc doanh nghiệp này có phải thực hiện nghĩa vụ với tư cách cá nhân hay không?

TƯ VẤN CỦA LUẬT SƯ

Theo Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015: “hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.

Về nguyên tắc, nghĩa vụ của mỗi bên tham gia quan hệ hợp đồng chấm dứt trong trường hợp nghĩa vụ được hoàn thành; theo thoả thuận của các bên; bên có quyền miễn việc thực hiện nghĩa vụ; nghĩa vụ được thay thế bằng nghĩa vụ khác; nghĩa vụ được bù trừ; bên có quyền và bên có nghĩa vụ hoà nhập làm một…

Theo khoản 8 Điều 372 Bộ luật này, một trong những căn cứ chấm dứt nghĩa vụ là “bên có nghĩa vụ là cá nhân chết hoặc là pháp nhân chấm dứt tồn tại mà nghĩa vụ phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện”.

Bạn cho doanh nghiệp tư nhân vay tiền. Có nghĩa là, chính doanh nghiệp này phải  trả nợ cho bạn. Họ sẽ hoàn thành nghĩa vụ này khi trả cho bạn đầy đủ cả gốc và lãi (nếu có). Trường hợp doanh nghiệp chấm dứt tồn tại do bị phá sản, ngoài quy định của pháp luật dân sự, cần áp dụng quy định của pháp luật về phá sản doanh nghiệp để xác định đối tượng và trách nhiệm trả nợ tiền vay cho bạn. Bởi vì, Điều 384 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp phá sản thì nghĩa vụ chấm dứt theo quy định của Luật phá sản”.

Phá sản, theo khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014, “là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản”.

Nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp được xác lập trước khi Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản được xác định vào thời điểm ra quyết định mở thủ tục phá sản. Nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được xác lập sau khi Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản được xác định vào thời điểm ra quyết định tuyên bố phá sản.

Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản, theo khoản 1 Điều 54 của Luật này, tài sản của doanh nghiệp được phân chia theo thứ tự sau:

a) Chi phí phá sản;

b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;

c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;

d) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ”.

Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán, theo quy định tại khoản 3 của Điều này, từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.

Tóm lại, bạn sẽ được thanh toán số tiền cho vay từ chính tài sản của doanh nghiệp khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản theo thứ tự nêu trên. Nếu tài sản của doanh nghiệp không đủ, số tiền của bạn sẽ được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với tổng số nợ của doanh nghiệp.

Vì bạn cho doanh nghiệp tư nhân vay tiền, ngoài nguyên tắc thanh toán nợ nêu trên, chủ của doanh nghiệp này tiếp tục phải thực hiện trách nhiệm trả nợ cho bạn. Bởi vì, khoản 1 Điều 110 của Luật Phá sản năm 2014 quy định: “Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản quy định tại các điều 105, 106 và 107 của Luật này không miễn trừ nghĩa vụ về tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh đối với chủ nợ chưa được thanh toán nợ, trừ trường hợp người tham gia thủ tục phá sản có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ